Hội nghị có sự tham dự của trên 10.000 đại biểu trong nước và từ 24 quốc gia, nền kinh tế thành viên của ASOCIO.
Hội nghị diễn ra từ ngày 2 - 6/11 với 5 phiên chuyên đề về: Chính quyền số; bất động sản thông minh; khu công nghiệp thông minh; nền tảng, giải pháp số cho thành phố thông minh; startup với thành phố thông minh.
Tại hội nghị các đại biểu sẽ chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, xây dựng thành phố thông minh là nhu cầu tất yếu của Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Ở Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.
Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950). Hiện cả nước đang có gần 40 địa phương bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước. Một số địa phương đã triển khai và đạt được kết quả ban đầu, song đây là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia đi trước, đòi hỏi phải liên tục tìm hiểu, trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn cả trong nước và quốc tế để triển khai.
Thứ trưởng cho biết, Bộ đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.