Chi trả REDD+ dựa trên kết quả: "Ứng trước" bằng hỗ trợ sinh kế từ rừng

08/08/2017 00:00

(TN&MT) - Khác với chi trả dịch vụ môi trường rừng là người nhận biết chính xác đơn giá, đối với Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng REDD+, việc chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải, hấp thụ hoặc lưu trữ các bon trên một diện tích rừng đã được đo đạc, báo cáo và kiểm chứng. Đây là cơ chế tài chính mới xuất hiện tại Việt Nam nên không tránh khỏi những vướng mắc khi triển khai.

Tiền đến tay người dân ít

Kết quả thực hiện REDD+ (đơn vị tCO2e) ở cấp quốc gia sử dụng số liệu điều tra kiểm kê rừng được thu thập 5 năm 1 lần trên toàn quốc dựa trên ảnh vệ tinh. Hiện nay, kiểm kê rừng ở Việt Nam phổ biến mới xuống đến cấp huyện, với tỉ lệ ảnh chụp là 1/25.000 – 1/50.000. Hệ thống tính toán kết quả REDD+ lại chủ yếu triển khai ở cấp thấp hơn (xã, bản, làng…) hơn đòi hỏi ảnh vệ tinh độ phân giải cao hoặc kết quả đo đếm chi tiết trên thực địa.

Qua thí điểm cơ chế này tại Tây Bắc, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định, dù áp dụng cách nào, chi phí cũng rất lớn. Lấy ví dụ với tỉnh Điện Biên, chi phí đo đạc có thể lên đến 12.600 USD/năm/xã. Trong khi đó, khoản chi trả tối đa mỗi xã có thể nhận được là khoảng 15.700 USD/năm (giả định cơ quan cấp trung ương/tỉnh/huyện không trích lại một phần). Kể cả được hỗ trợ chi phí đo đạc, số tiền đến tay người dân cũng khá thấp, chỉ khoảng 600.000 đồng/hộ/năm.

Tiền chi trả thực tế sẽ nhỏ hơn nhiều do phải khấu trừ chi phí giao dịch và chi phí quản lý và như vậy sẽ không khuyến khích được người dân địa phương tham gia. Hơn nữa, với cách chia sẻ chi trả này, chính quyền các cấp sẽ không có kinh phí để tái đầu tư vào các hoạt động REDD+.

Chi trả REDD+ dựa trên kết quả
Chi trả REDD+ dựa trên kết quả "ứng trước" bằng hỗ trợ sinh kế từ rừng. Ảnh: MH

Về nguyên tắc, chi trả dựa trên kết quả chỉ được thực hiện sau khi đã thực hiện thành công các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, tăng lượng hấp thụ các bon. Tuy vậy, người dân  thường có nhu cầu ứng trước hoặc ít nhất là cần thống nhất rõ ràng về các khoản tiền sẽ được chi trả trong tương lai. Các bên thực hiện REDD+ có thể giải thích cho người dân các kịch bản giả thuyết, nhưng sẽ khó thuyết phục người dân tuân theo các hoạt động.

Học hỏi kinh nghiệm từ các quỹ sẵn có

Triển khai Chương trình hành động quốc gia về REDD+, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Văn phòng UN-REDD+, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp cùng UNDP nghiên cứu xây dựng quỹ REDD+, trong đó, có giải pháp thành lập một quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.

Qua phân tích hoạt động cho vay ưu đãi của một số quỹ đang hoạt động tại Việt Nam, nhóm chuyên gia tư vấn khuyến nghị, trong giai đoạn đầu xây dựng và vận hành Quỹ REDD+ Việt Nam phục vụ tài trợ Kế hoạch hành động REDD+ cấp quốc gia và các kế hoạch cấp tỉnh, chưa nên áp dụng  cơ chế cho vay thu hồi vốn.

Việc lựa chọn được các dự án, chương trình bảo vệ và phát triển rừng cần ưu tiên khả năng thu hồi vốn trực tiếp trong thời gian trung hạn. Cân nhắc việc sử dụng tiền chi trả REDD+ vào tái đầu tư thực hiện REDD+. Các cộng đồng địa phương sẽ được “ứng trước” thông qua hỗ trợ phát triển sinh kế, giao đất lâm nghiệp, chi trả DVMTR, tạo nguồn gỗ và lâm sản dồi dào hơn, tăng các khoản thu cho người dân.

Để triển khai áp dụng, thực hiện tốt phương pháp giải ngân này, cần tăng cường năng lực quản lý, khả năng lập kế hoạch đồng thời với việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, hệ thống các thiết bị đo đếm, kiểm chứng, giám sát và đánh giá. Trước hết là rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện REDD+ các cấp, vận hành các hệ thống giám sát, kiểm tra và các nguồn kiểm chứng khác liên quan.

Đồng thời, có cơ chế huy động, sử dụng hiệu quả năng lực của Ban cố vấn, sự tham gia đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự và kinh nghiệm của cư dân bản địa, đồng bào dân tộc thiểu số sống gần và trong rừng.

Kinh nghiệm của Quỹ Ủy thác lâm nghiệp, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Phát triển KH&CN cho thấy, cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, đại diện các nhà tài trợ ngay từ khâu chuẩn bị, xét duyệt, giúp bảo đảm kết quả cuối cùng đạt chuẩn quốc tế.

Kinh nghiệm mời các nhà tài trợ cùng tham gia giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, dự án do chính họ tài trợ cũng đem lại hiệu quả cao cho quá trình giải ngân theo kết quả, đồng thời cũng tạo niềm tin, thu hút mạnh hơn, nhiều hơn các nguồn tài trợ.

Quỹ REDD + Việt Nam cần xây dựng Khung kết quả và Khung giám sát tương ứng trong kế hoạch hoạt động, kế hoạch đầu tư. Kinh nghiệm của một số dự án giải ngân dựa vào kết quả của Ngân hàng Thế giới, việc chi trả dựa vào kết quả cần thiết phải xây dựng bộ chỉ số kết quả và các chỉ số giải ngân dựa vào kết quả cụ thể.

Các tổ chức của Quỹ sẽ thực hiện giám sát chương trình và giám sát tài chính theo các chỉ số kết quả đã được thống nhất, phù hợp với thể chế, cơ chế REDD+ quốc gia, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, các hướng dẫn của UNFCCC và các yêu cầu của các nhà tài trợ.

Chi trả dựa trên kết quả là yêu cầu bắt buộc trong quản lý tài chính theo các quyết định của UNFCCC-COP và yêu cầu của các nhà tài trợ đối với Quỹ REDD+.  Việc xét xét khả năng đóng góp giảm phát thải khí nhà kính của Kế hoạch thực hiện REDD+ cấp quốc gia (NRAP) và cấp tỉnh (PRAP) vào triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là nguyên tắc và điều kiện tiên quyết để ký kết thỏa thuận chi trả.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả REDD+ dựa trên kết quả: "Ứng trước" bằng hỗ trợ sinh kế từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO