Chi trả DVMTR tại Kon Tum: Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ

19/10/2016 00:00

(TN&MT) - Sau 5 năm triển khai thực hiện, không thể phủ nhận những hiệu quả mà chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại cho người dân và...

 

(TN&MT) - Sau 5 năm triển khai thực hiện, không thể phủ nhận những hiệu quả mà chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại cho người dân và diện tích rừng của tỉnh Kon Tum. Từ chính sách này, người dân ở gần rừng không những có thêm việc làm mà còn được nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Mặt khác, rừng trên địa bàn cũng được bảo vệ tốt hơn, ngày càng nâng cao về chất lượng và diện tích.

 

Diện tích rừng ngày càng tăng lên nhờ chính sách chi trả DVMTR
Diện tích rừng ngày càng tăng lên nhờ chính sách chi trả DVMTR

Kon Tum là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, do đó công tác quản lý, bảo vệ và nâng cao diện tích rừng hiện có là nhiệm vụ chung mà các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và người dân phải đồng hành cùng nhau. Trong 5 năm qua, cả tỉnh Kon Tum có 3.642 hộ gia đình, 22 cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao quản lý, bảo vệ 45.204,43 ha rừng. Bên cạnh đó, còn có 5.056 hộ gia đình, 64 cộng đồng dân cư thôn và 29 nhóm hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ các chủ rừng là tổ chức nhà nước, với diện tích rừng được bảo vệ là 140.289,25 ha.

Thôn Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei, Kon Tum) là một cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất rừng cho quản lý, bảo vệ từ cuối năm 2014. Cả thôn có 73 hộ gia đình, được nhà nước giao bảo vệ 78,5 ha rừng. Ngoài diện tích rừng được nhà nước giao, các hộ dân trong thôn còn nhận khoán bảo vệ gần 247,1 ha rừng từ đơn vị chủ rừng là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.

Anh A Đoan – Thôn trưởng thôn Xốp Dùi cho biết: “Được nhà nước giao rừng cho quản lý, người dân trong thôn đã có nhận thức tốt hơn trong việc bảo vệ rừng. Hàng tuần, hàng tháng, từng nhóm hộ lại thay phiên nhau đi kiểm tra một lần, nếu phát hiện rừng bị xâm hại thì báo ngay cho UBND xã, kiểm lâm địa bàn và chủ rừng. Số tiền nhận được từ việc tham gia bảo vệ rừng giúp chúng tôi có thêm thu nhập để mua cây giống, phát triển kinh tế gia đình và lo cho con cái học hành. Người dân trong thôn bây giờ ngoài làm ruộng, rẫy còn làm thêm nghề rừng chứ không lên rừng khai thác gỗ như trước nữa”.

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) được giao bảo vệ hơn 37.000 ha rừng thì có đến 36.709,42 ha rừng có cung ứng DVMTR. Hàng năm, Ban quản lý khu bảo tồn tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, làng sống trong rừng, gần rừng, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi chính sách chi trả DVMTR được thực hiện, đồng bào dân tộc ở đây có thêm động lực để bảo vệ rừng, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng hơn trước, kịp thời phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, tích cực tuần tra bảo vệ rừng giao khoán. Các hộ dân tập trung sản xuất trên đất hiện có, không đốt rừng để làm rẫy, không chặt phá, khai thác rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng trái phép.

Đánh giá về hiệu quả mà chính sách chi trả DVMTR mang lại, ông Đinh Ngọc Thanh – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho biết: “ Đây là chính sách đúng đắn của nhà nước, nhận được sự đồng thuận của xã hội. Nó không những phát huy hiệu quả trong việc tạo thêm thu nhập, công ăn việc làm cho người dân và cộng đồng dân cư được giao khoán bảo vệ rừng mà còn làm tăng diện tích, chất lượng rừng, phát huy vai trò rừng phòng hộ đầu nguồn, tăng tính đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sinh thái. Nguồn thu từ tiền DVMTR còn giúp đơn vị có thêm tài chính để củng cố đội ngũ cán bộ và triển khai đồng bộ các công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, góp phần ổn định và phát triển diện tích rừng qua từng năm”.

Qua 5 năm triển khai đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tiến hành chi trả hơn 491 tỉ đồng cho hơn 360.000 ha rừng có cung ứng DVMTR. Số tiền chia cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tuy chưa lớn nhưng đã tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để người dân yên tâm bảo vệ rừng. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của những người được hưởng lợi từ rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Bài & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả DVMTR tại Kon Tum: Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO