Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm, song vẫn khả quan

Tống Minh| 02/03/2020 17:02

(TN&MT) - Dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước nhưng vẫn có dấu hiệu khả quan là chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa ban hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết; dịch Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng. Tuy nhiên, CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.

CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây

CPI giao thông giảm nhiều nhất

Trong mức giảm 0,17% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 so với tháng trước, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,5% do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 14/2/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 5,2% (tác động làm CPI chung giảm 0,22%). Đồng thời giá vé một số phương tiện giao thông điều chỉnh giảm sau Tết Nguyên đán (giá vé ô tô khách giảm 0,21%; giá vé tàu hỏa giảm 8,93%).

Tiếp đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ chùa đầu xuân giảm mạnh. Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%. May mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,13%. Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% (giá gas giảm 4,27% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm làm CPI chung giảm 0,05% và giá dầu hỏa giảm 6,83%). Bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Dịch vụ ăn uống vẫn tăng

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%, trong đó: lương thực tăng 0,32% do giá gạo xuất khẩu tăng làm giá gạo trong nước tăng 0,34%; thực phẩm giảm 0,07%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13% do nhu cầu về một số mặt hàng thuốc y tế tăng cao khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1/2020 làm nhóm thuốc các loại tăng 0,18%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08% do giá các loại xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,11% và giá dịch vụ giúp việc gia đình tăng 0,16%; nhóm giáo dục tăng 0,04% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%.

Giữ cái nhìn lạc quan về CPI

Nhìn nhận một cách tích cực, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. CPI tháng 2/2020 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 2/2020 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với một triển vọng kinh tế tiêu cực dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/2/2020 tăng 2,15% so với tháng 1/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 2/2020 tăng 2,74% so với tháng trước; tăng 7,23% so với tháng 12/2019 và tăng 20,06% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2/2020 tăng 0,32% so với tháng trước; tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm, song vẫn khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO