Những bằng chứng ban đầu cho thấy các công ty sản xuất giấy, dầu cọ gây ra những vụ cháy vượt tầm kiểm soát trong nhiều tuần qua. Theo luật pháp Indonesia, nếu công ty nào bị phát hiện san bằng đất trồng bằng cách châm lửa đốt có thể bị phạt lên tới 10 tỉ rupiah (khoảng 16 tỉ đồng) và những người quản lý phải đối mặt với mức án 10 năm tù.
“Chúng tôi đang điều tra sự việc và mau chóng thông báo tên của các công ty chịu trách nhiệm. Các công ty trên bị phân thành 3 nhóm vi phạm, gồm: nhẹ, vừa và nặng” - người phát ngôn của Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia nói với báo The Straits Times (Singapore). Một trong số 10 công ty được xác định là PT Tempirai Palm Resources trên địa bàn tỉnh Nam Sumatra, nơi 45 ha diện tích đất bốc cháy. Tuy nhiên, ông Ali Hanafiah, người phụ trách ứng phó các trường hợp khẩn cấp của công ty này, lại đổ lỗi cho những nông dân địa phương. Gió mạnh làm lửa cháy lan từ những nơi quanh đó sang đất của công ty. Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo muốn các công ty đồn điền liên quan phải chịu trách nhiệm nhưng quá trình tư pháp phức tạp khiến công việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Báo The Jakarta Post cho biết trước đó, cảnh sát tỉnh Jambi nêu tên tuổi của 20 nông dân vì liên quan đến 8 trường hợp cháy rừng và đốt lửa san bằng đất đai kể từ tháng 1. Tính riêng tỉnh Tây Kalimantan hôm 9-9, có đến 616 địa điểm cháy. Ngày 10-9, Indonesia triển khai hơn 1.000 binh sĩ tới tỉnh Nam Sumatra để giúp đối phó với tình hình cháy tràn lan.
Cháy rừng khiến chỉ số ô nhiễm không khí (API) ở TP Palembang, Nam Sumatra xuống tới mức nguy hiểm, buộc chính quyền địa phương đóng cửa trường học cho đến tận cuối tuần. Không chỉ vậy, khói mù còn làm gián đoạn các chuyến bay ở các tỉnh Riau, Jambi, Nam Sumatra và Kalimantan. Những nước láng giềng Singapore và Malaysia cũng bị vạ lây khi API treo lửng lơ giữa mức vừa phải và mức không tốt cho sức khỏe. Riêng một số địa phương ở bang Sarawak - Malaysia, chất lượng không khí trở nên tệ hơn hẳn trong ngày 10/9.
Theo NLĐ