Châu Phi cần hỗ trợ để giải quyết biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Các bộ trưởng tài chính châu Phi vừa cho biết châu lục này đang phải đương đầu với cú sốc kép gồm gánh nặng nợ nần gia tăng, khủng hoảng lương thực đang diễn ra và hậu quả của biến đổi khí hậu, do vậy châu Phi cần thêm sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia giàu có để ứng phó.
Các nền kinh tế châu Phi đang phát triển chỉ mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và gia tăng lạm phát khiến giá lương thực tăng vọt.
Trong khi đó, châu Phi đã phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Tài chính Comoros Mze Abdou Mohamed Chanfiou cho biết: "Các quốc gia châu Phi thực sự là nạn nhân trong khi lẽ ra họ không phải chịu trách nhiệm về những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu. Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khu vực tại châu Phi đã đưa ra các quỹ khẩn cấp, nhưng những quỹ này dường như không thực sự đủ để giải quyết vấn đề”.
Năm 2022, IMF đã thành lập Quỹ Tín thác Khả năng phục hồi và Bền vững (RST) để giúp chuyển các khoản dự trữ Quyền rút vốn Đặc biệt vượt mức của IMF từ các quốc gia giàu có sang các nước nghèo có thu nhập trung bình và dễ bị tổn thương.
Quỹ tín thác này nhằm cung cấp nguồn tài chính ưu đãi dài hạn cho các nhu cầu như thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Rwanda, Barbados, Costa Rica, Bangladesh và Jamaica đã đạt được thỏa thuận cho các chương trình cho vay từ quỹ này và 44 quốc gia khác cũng quan tâm.
Ba bộ trưởng tài chính châu Phi kêu gọi các quốc gia giàu có thực hiện cam kết tài trợ cho quỹ tín thác. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết IMF đã nhận được 40 tỷ USD cam kết dành cho RST và có thể có nhiều cam kết hơn để tăng sức mạnh tài chính cho quỹ này.
Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính châu Phi kêu gọi một khuôn khổ do G20 hậu thuẫn nhằm giúp các nước tái cấu trúc gánh nặng nợ nần để tiến xa hơn.
Trong bối cảnh châu Phi cần hỗ trợ nhiều hơn để ứng phó với tình trạng thiếu lương thực và giá lương thực tăng cao do hiện tượng thời tiết và chiến tranh ở Ukraine, các bộ trưởng cho biết các chính phủ châu Phi cần tăng cường hơn nữa vai trò của họ.
Bộ trưởng Tài chính Sierra Leone, ông Sheku A.F. Bangura cho biết châu Phi phải phát huy lợi thế ngành nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm thiểu khả năng bị tổn thương do gián đoạn nhập khẩu. Ông nói: “Cuộc khủng hoảng mà chúng ta gặp phải là một cuộc khủng hoảng vĩnh viễn. Chúng ta cần một cách tiếp cận mạnh mẽ và hợp nhất hơn nhiều”.