Đường phố Mouffetard ở Paris, Pháp vắng vẻ khi quốc gia này phong tỏa toàn quốc nhằm chống lại làn sóng thứ hai của dịch bệnh COVID-19 vào ngày 30/10/2020. Ảnh: Reuters |
Châu Âu và Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Sau cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của các bộ trưởng y tế của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, người chủ trì cuộc họp cho biết: “Với tình hình COVID-19 rất nghiêm trọng ở toàn châu Âu, chúng ta cần giảm tiếp xúc ở hầu hết các nước của châu lục này một cách bình đẳng”.
Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự: “Chúng ta cần vượt qua đại dịch với những hạn chế trong cuộc sống hàng ngày để phá vỡ chuỗi truyền bệnh”.
Pháp và Đức đã công bố các đợt phong tỏa mới trong tuần này khi các ca nhiễm tại châu Âu vượt qua mốc 10 triệu người và các bệnh viện cũng như các khu vực chăm sóc đặc biệt quá tải. Các quán bar, nhà hàng, sự kiện thể thao và văn hóa đã bị hạn chế hoặc đóng cửa ở một số quốc gia châu Âu khác.
Bỉ, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, đã ghi nhận trung bình 15.316 ca nhiễm mới hàng ngày vào giữa tháng 10. Ý và Áo ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày đối với mỗi nước vào ngày 30/10.
Bồ Đào Nha đã thiết lập các trạm kiểm soát trên khắp cả nước để ngăn chặn việc đi lại trái phép trong lệnh cấm di chuyển kéo dài 5 ngày bắt đầu từ 30/10.
Nga đã chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng lên trong những tuần gần đây và công bố 18.283 ca nhiễm mới vào ngày 30/10 - con số cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu và 355 ca tử vong.
Ba Lan đã ghi nhận ca nhiễm mới tăng cao vào ngày thứ 4 liên tiếp. Tại Vương quốc Anh, mặc dù số ca nhiễm tăng vọt nhưng quốc gia này phản đối dự định về một cuộc phong tỏa quốc gia mới.