(TN&MT) - Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai vừa có đánh giá chính thức về hiện tượng nước nổi bọt trên sông hồng, đoạn chảy qua thành phố Lào Cai trong các ngày 21 và 22/5/2014. Kết quả phân tích cho thấy, nước sông Hồng nằm trong tiêu chuẩn cho phép.
Như báo chí đã thông tin, trong các ngày 21 và 22/5/2014, trên bề mặt sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai có hiện tượng nổi bọt trắng trên mặt song. Ngay sau khi phát hiện tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC 49) – Công an tỉnh, UBND thành phố Lào Cai và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, lấy mẫu phân tích và đánh giá về hiện tượng này. Báo cáo kết quả khảo sát, phân tích và đánh giá mẫu nước của Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cho thấy: Phạm vi xuất hiện nước trên sông Hồng từ vị trí phía trên Đồn Biên phòng Quang Kim (xã Quang Kim) 200 m kéo dài đến cầu Phố Mới (TP.Lào Cai). Khu vực xuất hiện bọt màu trắng tập trung ở vùng giữa sông, tại khu vực giao nhau giữa 2 dòng chảy, mật độ bọt thường dày vào buổi sáng (từ 5 - 6 giờ đến khoảng 9 -10 giờ sáng), bọt giảm dần vào buổi trưa và giảm triệt để vào buổi chiều (chỉ cò lại một số điểm do dòng chảy nước bị quẩn vào bờ sông). Đến ngày 25/4/2014 không còn hiện tượng nổi bọt trên sông Hồng.
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai sử dụng máy quan trắc mẫu nước sông Hồng.
Về chất lượng nguồn nước sông Hồng, có 2 chỉ tiêu là NO2 + và NH4 + vượt tiêu chuẩn cho phép, thể hiện nồng độ các chất hữu cơ hòa tan trong nước gia tăng. Trong khi đó, các mẫu nước sông Hồng ở thượng nguồn không có bọt và chất lượng không có gì bất thường. Do đó, theo đánh giá ban đầu nguyên nhân làm tăng nồng độ NO2 + và NH4 + đối với nước sông Hồng, là từ suối Quang Kim và một số nguồn nước khác từ hai bên bờ đổ ra sông Hồng làm cho chỉ tiêu NO2 + và NH4 + tăng cao. Qua kiểm tra, khảo sát và rà soát các cơ sở sản xuất trong nội địa dọc theo các khu vực có nổi bọt nước, không có cơ sở nào sản xuất xả nước thải.
Từ kết quả khảo sát thực tế và kết quả phân tích mẫu nước, có thể đánh giá sơ bộ nguyên nhân làm phát sinh bọt nước trong các ngày 21 - 24/5 do nắng nóng kéo dài, lượng nước mưa hầu như không có, lượng nước tại các sông, suối đổ ra vào sông Hồng cũng giảm, làm cho mực nước và lưu lượng sông Hồng hạ thấp và cạn hơn mức bình thường. Tại đoạn sông Hồng từ cửa suối Quang Kim về phía thượng lưu 200m có một số nguồn nước hai bên bờ chảy ra sông Hồng có chứa các thành phần hữu cơ, khi phân hủy làm phát sinh hiện tượng bọt trắng trên mặt sông. Khi mực nước sông Hồng tăng cao thì nồng độ chất hữu cơ bị pha loãng, hiện tượng bọt không còn xuất hiện nữa. Mọi số liệu hàm phân tích mẫu nước cho thấy, nước sông Hồng đều trong tiêu chuẩn cho phép, chất lượng nước sông Hồng vẫn ở mức an toàn.
Quốc Khánh