(TN&MT) - Tác động của các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là của các khu công nghiệp, sản xuất làng nghề, khu khai thác và chế biến, các tụ điểm dân cư của 6 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương khiến môi trường nước lưu vực sông Cầu bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các địa phương, Ủy ban bảo vệ môi trường sông (UBBVMTLVS) Cầu, thời gian gần đây chất lượng nước của LVS này đã được cải thiện.
Theo báo cáo của UBBVLVS Cầu, trong giai đoạn 2016-2018, chất lượng nước trên LVS sông Cầu đã được cải thiện so với những năm trước. Hiện nay tại dòng chính sông Cầu, khu vực thượng nguồn thuộc tỉnh Bắc Kạn và các đoạn sông chảy qua tỉnh Thái Nguyên, nước sông thường xuyên duy trì ở mức tốt. Đoạn sông Cầu chảy qua tỉnh Thái Nguyên (điểm Sơn Cầm, Hoàng Văn Thụ), nước sông đã có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương. Trên các sông khác (sông Công và các sông khác qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương), môi trường nước sông không có nhiều biến động, nước sông sử dụng tốt cho mục đích tưới tiêu, giao thông thủy, nhiều điểm nước sông có thể sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt (điển hình ở khu vực thượng nguồn đoạn chảy qua tỉnh Bắc Kạn).
Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 42 điểm thuộc lưu vực sông Cầu, cũng cho thấy, trong nhóm thông số kim loại quan trắc, phân tích, chỉ duy nhất thông số Fe có giá trị vượt ngưỡng quy định theo vượt QCVN 08- MT:2015/BTNMT, các kim loại nặng khác đều đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (loại A1). Giá trị Fe trên sông Cầu cao chủ yếu tại các điểm hạ nguồn nằm trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, đây là địa bàn có nhiều làng nghề thu mua và tái chế kim loại. Chỉ có 4/42 điểm có hàm lượng Amoni vượt QCVN 08- MT:2015/BTNMT loại B1. Các điểm còn lại đều có giá trị Amoni nhỏ hơn QCVN 08-MT:2015/BTNMT (loại A1)…
Tại phiên họp lần thứ 14 của UBLVS Cầu vừa mới diễn ra tại bắc Ninh, đại diện của các địa phương trong lưu vực sông Cầu cho biết, để đạt được những bước tiến trong việc cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Cầu, thời gian qua các địa phương đã triển khai quản lý và kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các nguồn nước thải có lưu lượng 200m3/ngày đêm trở lên; thiết lập hệ thống quan trắc, phân tích môi trường từ Trung ương đến địa phương… Đồng thời xây dựng và hoàn thành các cơ chế, chính sách trong công tác BVMT.
Các tỉnh trên lưu vực sông đã ban hành hơn 40 văn bản thực thi tại địa tập trung vào xả lý nước thải và rác thải sinh hoạt, điển hình như: Quyết định số 54/2017/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải; Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND18 ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về quan điểm và nguyên tắc xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh…
Ngoài ra, các tỉnh đã triển khai hàng chục dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường trong lưu vực như: Dự án Nạo vét sông Cầu đoạn chảy qua nội thành thành phố Bắc Kạn; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu vực phía Bắc thành phố Thái Nguyên; Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, cơ chế hỗ trợ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; cơ chế thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn của các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc; kiểm soát xả thải của các KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình xử lý chất thải của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại… Đặc biệt, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới trên LVS Cầu…
Mặc dù chất lượng nước lưu vực sông Cầu đã có những cải thiện, tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định, trên lưu vực sông Cầu còn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém. Vẫn xảy ra ô nhiễm cục bộ trên đoạn sông Cầu chảy qua thành phố Thái Nguyên, đặc biệt ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Ngũ Huyện Khê dẫn tới ô nhiễm đoạn sông Cầu giáp ranh giữa 02 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Một số khu vực khác trên sông như cầu Lộc Hà (Hà Nội), cầu Song Thái, Văn Môn (Bắc Ninh) mức độ ô nhiễm không nặng như khu vực cầu Đào Xá, nhưng các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ vẫn vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT… Vì vậy, thời gian tới các Bộ, ngành và 6 tỉnh phải có những giải pháp đột phá trong việc bảo vệ môi trường, tập trung mọi nguồn lực đầu tư giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu.