Từ đầu năm đến nay, chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM thay đổi ở những thời điểm khác nhau và thường diễn biến tốt lên vào quý II và III. Điều kiện thời tiết trong mùa mưa ở cả hai thành phố là một trong những yếu tố lý giải sự cải thiện không khí trong khoảng thời gian này.
Theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID),mặc dù nhìn chung chất lượng không khí trong quý III là khá tốt, nhưng dữ liệu cho thấy xu hướng mức độ ô nhiễm tăng nhẹ qua từng tháng của quý, dự đoán chất lượng không khí có thể xấu trở lại trong quý cuối cùng của năm. Cụ thể, trong quý 3/2018, Hà Nội có 41 ngày nồng độ PM 2.5 trung bình vượt quá giới hạn cho phép của tổ chức Y tế thế giới, còn TP HCM chỉ có 9 ngày vượt quá giới hạn cho phép.
Trong đó, chỉ số chất lượng không khí (AQI) hầu hết các ngày trong quý tại Hà Nội đều ở mức trung bình, tuy nhiên có thể nguy hiểm đối với một số người đặc biệt nhạy cảm với ô nhiễm không khí. So với hai quý trước trong cùng năm 2018, quý 3 có chất lượng không khí tốt nhất với số ngày có chỉ số AQI ở mức tốt nhiều hơn.
Hiện nay, với sự tiếp tục gia tăng của phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng và công nghiệp, đặc biệt là số lượng tăng lên của các nhà máy nhiệt điện than xung quanh hai thành phố lớn này, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM đang thực sự được cải thiện. Do vậy, các quy định về quản lý khí thải trong các ngành giao thông, công nghiệp, điện than cần được ban hành và thực thi để đảm bảo chất lượng không khí tốt trong cả quý 1 và quý 4.