Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

18/11/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, sáng 18/11, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các vị Đại biểu Quốc hội. Chánh án Toà án nhân dân tối cao, trả lời chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng…

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đã có 54 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

sáng 18/11, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các vị Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc Khánh
Sáng 18/11, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các vị Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc Khánh

Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về vấn đề như: Hướng giải quyết vướng mắc trong các vụ việc Bảo hiểm xã hội kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm; "Số phận mong manh của các bản án", nhiều bản án vừa tuyên có hiệu lực bị giám đốc thẩm, bất nhất về quan điểm nghiệp vụ; về xây dựng và phát triển án lệ; trách nhiệm, xử lý các vụ án oan sai; xử lý các vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; giải pháp công khai bản án nhưng vẫn bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, các vấn đề như: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử sơ thẩm và tiến độ xử lý các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm; giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng trước tòa; giải pháp thực hiện tinh giản biên chế trong ngành tòa án; bài học kinh nghiệm trong xét xử các đại án tham nhũng (đặc biệt là vụ Hà Văn Thắm); hướng giải quyết vụ án Trương Hồ Phương Nga... cũng được các vị đại biểu đặt ra với Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Trong báo cáo gửi đến các ĐBQH vào chiều 15/11 nhằm làm rõ các vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 cũng như việc thực hiện “lời hứa” tại Kỳ họp thứ hai, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Trong năm 2017, TANDTC đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác, mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Tòa án Tối cao cũng đã tổ chức Hội nghị chuyên đề với sự tham gia của tất cả các Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp để bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, trong đó có công tác xét xử về dân sự, hành chính và các vụ án tham nhũng. Tại hội nghị nói trên, ngành tòa án đã xác định 14 giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án…

Vì vậy, trong năm 2017, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý, giải quyết tăng gần 37 nghìn vụ so với cùng kỳ năm 2016 nhưng các tòa án đã có nhiều cố gắng và đã giải quyết được gần 458 nghìn vụ việc, đạt tỷ lệ 91,4% tổng số vụ việc thụ lý; số vụ việc còn lại hầu hết còn trong hạn luật định; Chất lượng xét xử được bảo đảm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của thẩm phán thấp hơn 0,2% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra; Tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện nghiêm túc, ngày càng rộng rãi và thực chất; Việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, nhất là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; Việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự về cơ bản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; Tỷ lệ hòa giải thành tăng so với cùng kỳ năm trước; Việc khắc phục tình trạng án tuyên không rõ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả…

Trả lời câu hỏi của Đại biểu quốc hội về án lệ, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết Hội đồng thẩm phán toà tối cao đã công bố được 13 bản án lệ, khoảng 10 bản đang xin ý kiến. Dù số lượng chưa nhiều, nhưng cơ sở cho việc xây dựng án lệ đã được hình thành; thẩm phán nào có bản án lựa chọn để làm án lệ sẽ được khen thưởng vì đã tạo ra được chuẩn mực pháp lý mới.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng thông tin đã có nhiều vụ án áp dụng quy định của án lệ. Ví dụ, theo quy định của luật, khi bán bất động sản phải có chữ ký của cả vợ và chồng thì hợp đồng mới có giá trị. Ngành đã xử vụ án chỉ có chữ ký của chồng, nhưng vợ biết việc bán này này vì tham gia thu tiền. Sau đó giá nhà lên thì gia đình đó đã kiện theo hướng hợp đồng không có giá trị, nhưng bằng chứng cho thấy có ý chí bán nhà của bà vợ, nên họ thua kiện.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, trong tương lai, án lệ sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn của thực tiễn. Chúng ta không phải chỉ áp dụng án lệ của Việt Nam mà còn áp dụng án lệ của thế giới...

Phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vẫn đang diễn ra. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Việt Hùng(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO