Chàng kỹ sư cơ khí, bỏ thành thị lên đồi nuôi thỏ

25/09/2014 00:00

(TN&MT) - Mang theo quyết tâm làm giàu, anh kỹ sư Dương Văn Chính rời thành phố, bỏ nghề cơ khí để lên vùng đồi núi Hòa Vang nuôi thỏ.

(TN&MT) - Mang theo quyết tâm làm giàu, anh kỹ sư Dương Văn Chính rời trung tâm thành phố, bỏ nghề cơ khí với thu nhập ổn định 8 triệu đồng/ tháng, để lên vùng đồi núi Hòa Vang nuôi thỏ.
   
  Sinh năm ra ở vùng quê nghèo Bình Sơn (Huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), năm 1999, Chính thi đậu và theo học ngành Cơ khí chế tạo tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Tốt nghiệp ra trường, anh được nhận vào làm ở một công ty cơ khí lớn tại Đà Nẵng. Nhờ làm việc chăm chỉ, qua 6 năm, anh cũng lên được tới chức Trưởng phòng hành chính với mức thu nhập ổn định 8 triệu đồng/1 tháng. 
   
   
 Trang trại thỏ của Dương Văn Chính cho thu nhập trên  300 triệu đồng mỗi năm.
    
   
  Với nhiều người, có lẽ cuộc sống như vậy cũng đã hài lòng, nhưng riêng anh thì khác: “Lúc đó, đồng lương như vậy đủ nuôi gia đình, nhưng thời buổi kinh tế thất thường, không lường trước được. Mình muốn có một cái gì đó của riêng mình, không phải phụ thuộc ở người khác, vậy là quyết định tìm hướng đi mới”.
   
  Cưới vợ, nhà vợ anh ở trên vùng đồi núi xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đất rộng, người thưa; khu đất gần 4000 m2 cây cối mọc đầy. Mỗi lần lên chơi, anh lại nghĩ: “Sao mình không tận dụng diện tích đất này để làm giàu”. Nghĩ là làm, anh bắt đầu tìm hiểu các mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao và nhận ra nuôi thỏ rất thích hợp. “Lúc đó, thịt thỏ được tiêu thụ rất mạnh, mà người nuôi lại ít nên nguồn cung hiếm. Bên cạnh đó, thỏ là loài dễ nuôi, ăn tạp. Chuồng trại chủ yếu dùng vật liệu tre, gỗ, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế cao”, anh Chính tâm sự.
   
  Và thế là 5 năm học tập, công việc tốt, lương cao, anh đều từ bỏ. Bất chấp những ngăn cản từ gia đình, những lời bàn tán của mọi người anh vẫn quyết chí rời phố, về quê vợ nuôi thỏ. Bao nhiêu năm làm việc, tích cóp được hơn 100 triệu, anh đem ra đầu tư xây trang trại, mua thỏ giống. 
   
  Năm đầu, dù được hướng dẫn qua, nhưng vì chưa hiểu kỹ thuật, lại mua phải thỏ giống chất lượng không cao nên hay bị tiêu chảy, chậm lớn, con thì chết, con thì không đẻ, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
   
  Áp lực ngày một lớn hơn, nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu, anh vẫn không bỏ cuộc. Anh ra tận Hà Nội, đến Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ ở Sơn Tây để học hỏi cách nuôi thỏ. Rồi đặt mua 50 con thỏ nái, 10 con thỏ đực, đều là loại thỏ New Zealand về làm giống. Không những vậy, về nhà anh còn bắt tay vào lai tạo với các giống thỏ Pháp, thỏ Thái, qua nhiều lần lai tạo, anh đã cho ra đời dòng thỏ New Zealand lai, có nhiều ưu điểm so với giống thuần chủng. 
   
  Anh cho biết: “Dòng thỏ mới này chịu được khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, rất mắn đẻ; 1 năm đẻ 7 lứa, mỗi lứa khoảng 8 con, nuôi con tốt. Thỏ lớn nhanh, khoảng 3 tháng đã có thể xuất chuồng. Trọng lượng trung bình 4 đến 4,5 kg. Trong khi giống thỏ cỏ của ta chỉ có trọng lượng trên dưới 3 kg, đẻ 1 lứa khoảng chừng 5 con”.
   
  Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, bầy thỏ của anh đã bắt đầu phát triển ổn định. Nhưng nuôi được rồi, lại phải tính toán đầu ra; anh chia sẻ: “Ban đầu việc tìm đầu ra ổn định không đơn giản, anh phải lặn lội đi rao bán ở khắp các nơi. Nhằm tìm đầu ra cũng như mở rộng thị trường, anh tự mày mò lập trang web riêng về trại thỏ của mình, giới thiệu quảng bá sản phẩm đến các đầu mối ở các tỉnh khác. Và cũng nhờ đó, họ dần biết tiếng tìm đến mua. Hiện nay, ngoài thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng, trang trại của anh còn cung cấp thỏ thịt, con giống cho địa bàn các tỉnh  từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
   
   
 Một góc trang trại Quốc Cường của anh Chính
    
   
  Từ thực tế đã trải qua, Chính cho rằng  nuôi thỏ không khó nhưng đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật với sự quyết tâm thì lợi nhuận đem về khá cao. Theo Chính, nuôi thỏ chú ý tới 4 điều quan trọng. Đó là nguồn thức ăn, phối giống, tách thỏ con khỏi mẹ, kiểm soát dịch bệnh. Về chuồng trại thì khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt. Chuồng nuôi phải khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ. Thức ăn của thỏ khá phổ biến, chủ yếu các loại rau và tinh bột. Khi cho thỏ ăn chú ý không để các loại rau bị thấm nước. Mặt khác, thỏ là loài dễ nhiễm bệnh, như bệnh ghẻ, ỉa chảy, khi bị bệnh thỏ chết rất nhanh. Do đó cần phòng ngừa kịp thời, tiêm phòng định kỳ.
   
  “Đến nay, trại nuôi thỏ Quốc Cường của anh đã đạt quy mô gần 1000 con, số lượng thỏ nái hơn 100 con. Với giá thị trường hiện nay, thỏ thịt 85 ngàn/1kg, thỏ giống 150 đến 170 ngàn/ 1kg. Một tháng xuất chuồng khoảng 300 con thỏ thịt, 200 thỏ giống, trừ hết chi phí thì cũng thu về được 30 triệu/ tháng; 1 năm gần 360 triệu. Thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thêm 50m2 nữa, cũng như phát triển đàn lên hơn 1500 con”, anh hào hứng chia sẻ.
   
  Không chỉ làm giàu từ thỏ, những năm qua anh còn chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, giúp đỡ nhiều nông dân khác nuôi thỏ. Thỏ giống bán cho họ đều được anh đến tận nơi hướng dẫn nuôi, đảm bảo chất lượng; khi nào thỏ sống tốt, sinh sản ổn định mới nhận tiền. Bên cạnh đó, anh đúc rút kinh nghiệm nuôi thỏ của mình và mọi người để đưa lên trang web của trang trại. Bởi theo anh: “Như vậy sẽ có nhiều người biết được, không phải gặp nhiều khó khăn như mình khi bắt tay vào nghề.”
   
   Ông Nguyễn Đức Tân, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Ninh cho biết : "Từ mô hình của anh Chính mà hiện nay ở Hòa Ninh đã có nhiều hộ dân bắt đầu nuôi thỏ, có thu nhập cao từ thỏ. Qua đó, mang lại một hướng đi mới trong việc thoát nghèo bền vững cho những hộ  nông dân còn khó khăn của xã ".
   
  Chia tay chúng tôi, Anh Dương Văn Chính tâm sự: “Theo mình, các bạn sinh viên ra trường không nên an phận, phải dám đối mặt với thử thách. Học là để lấy kiến thức, nhưng khi làm thì phải chọn con đường thế nào cho hợp lý, không nhất thiết học gì làm nấy”. 
   
Ni Na- Huỳnh Minh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng kỹ sư cơ khí, bỏ thành thị lên đồi nuôi thỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO