(TN&MT) - Dùng vải bạt bỏ đi may lại thành túi vừa tránh được việc bỏ đi những tấm bạt còn rất mới, mà cũng tiết kiệm được vài chục ngàn cho chị em đỡ phải mua giỏ đi chợ.
Đó là sáng kiến độc đáo của chị Hoàng Thị Tâm khi thấy những tấm bạt bị bỏ phí ở gần nhà, chị đã cầm về và may lại thành túi. Chị Hoàng Thị Tâm, thuộc chi hội Phụ nữ số 3, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu. Từ năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN ) thành phố Đà Nẵng triển khai mô hình “Mái nhà xanh: 5 không, 3 sạch, 2T” (5 không: không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có trẻ em bỏ học, không có bạo lực gia đình, không có phụ nữ sinh con thứ 3, không có trẻ em suy dinh dưỡng. 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch phố. 2T là tiết kiệm và tận dụng). Cùng với đó Hội LHPN thành phố còn triển khai thử nghiệm mô hình “Sống Xanh” trong cộng đồng; “Xanh nhà, xanh công sở” tại nơi làm việc.
Chị cũng đi tập huấn chương trình “Sống xanh, sống khỏe”; là nhóm trưởng Nhóm Sống Xanh của chi hội Phụ nữ số 3, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu. Những ngày đầu, Chi hội của chị cũng phát động phong trào giảm dùng túi nilông khi đi chợ. Nhưng do giá cả của giỏ đi chợ cao, mang theo lại bất tiện nên túi ni lông vẫn được chị em dùng nhiều.
Chị Hoàng Thị Tâm với sản phẩm túi xách từ các tấm bạt không dùng nữa.
Một hôm, khi thấy có tấm bạt vải còn khá tốt, nhưng không dùng nữa bị vất ở gần nhà, chị đã mang về. Tuy là một sĩ quan của trung đoàn 929, sư đoàn 372 nhưng thời con gái, chị cũng được đi học may; nên ở nhà, chị vẫn thường tự tay may vá quần áo cho người thân. Cũng nhờ có đôi tay khéo léo, cùng ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, chị đã nghĩ ra ý tưởng đem tấm bạt đó cắt ra, may lại thành cái túi đi chợ; sau vài lần may thử thì thấy sản phẩm cũng đẹp. Và sáng kiến độc đáo bắt đầu từ lúc đó.
“Túi này may bằng tấm bạt quảng cáo (pano, apphich, phướn…) không sử dụng nữa ở gần nhà hoặc trong thành phố nên tiết kiệm được chi phí nguyên liệu. Do là vải bạt nên nó bền lắm, lại dễ gấp nên rất tiện. Dùng xong, giặt, phơi qua đêm là khô, hôm nay giặt mai lại đem đi chợ được. Chất liệu tốt thế này đi chợ mang được 5 đến 7 kg hàng, dùng gần 6 tháng mới thay em à. Vừa tránh được việc bỏ đi những tấm bạt còn rất mới, mà lại tiết kiệm được vài chục ngàn cho chị em đỡ phải mua giỏ đi chợ nên ai cũng thích”, chị sung sướng chia sẻ.
Từ nhiều tháng nay chị Tâm đã sản cuất hơn hàng trăm chiếc túi tái chế cho các thành viên Sống xanh trong tổ. Chị may cho hội viên trong Chi hội là chính; 1 năm 2 lần mình may rồi phát cho chị em vào các ngày lễ như 8/3, 20/10. Ai có nhu cầu mang vải tới mình cũng may giúp; thời gian may một chiếc giỏ cũng nhanh lắm, tiền công thì lấy 5 ngàn một cái thôi; vừa rồi các chi bộ khác cũng đặt hàng gần 300 cái đó. Công việc nhiều quá thì có chị Hòe (là người cùng tham gia công việc với chị Tâm) giúp nữa” chị cho biết thêm.
Bên cạnh đó, “chị em nào muốn học chị sẽ chỉ cho họ may; tạo điều kiện cho chị em có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập những khi nhàn rỗi; đặc biệt là với những chị em không có việc làm, ở nhà nội trợ. Chị mong muốn tất cả các chị em trong chi hội cũng như tất cả mọi người có ý thức gìn giữ môi trường, tiết kiệm không xả rác bừa bãi” - chị Tâm chia sẻ. Trong lúc chị ngồi may, rất nhiều người hiếu kỳ đến xin sản phẩm, và chị cũng vui vẻ may cho.
Năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị thực hiện Chương trình Sống xanh (thử nghiệm và phát triển ban đầu tại Hà Nội từ năm 2009, trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng dân cư tại Hà Nội” do cơ quan viện trợ Ireland tài trợ). Mô hình tập trung vào việc thành lập nên các nhóm Sống xanh cùng nhau thay đổi hành vi bền vững và góp phần cải thiện môi trường sống của khu dân cư.
Các hoạt động thực hiện mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình bền vững cho các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng; xây dựng một cộng đồng thân thiện, chuyển đổi hành vi, thói quen sinh hoạt hàng ngày theo hướng tích cực như: Sử dụng giỏ đi chợ, tiết kiệm điện, nước, trồng cây xanh, rau an toàn tại nhà, ủ phân hữu cơ…. từ đó có những đóng góp ý nghĩa vào các phong trào chung của thành phố, bảo vệ môi trường.
Bài và ảnh: Ni Na