Chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng: FE Credit là tâm điểm

30/05/2018 13:10

(TN&MT) - Trước tình trạng hoạt động cho vay tiêu dùng đang phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ký Văn bản số...

(TN&MT) - Trước tình trạng hoạt động cho vay tiêu dùng đang phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ký Văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH ngày 15/5, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống. Một số TCTD sẽ được thanh tra trong thời gian tới,  FE Credit là tâm điểm trong đợt thanh tra này.
 
VPBank

Theo văn bản này, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc 5 vấn đề: Thứ nhất, rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng.
 
Thứ hai, chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng. Đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất phí, về minh bạch hóa hoạt động cho vay, riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất. Ngoài ra, các TCTD phải thực hiện nghiêm các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ.
 
Thứ ba, NHNN yêu cầu tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật về hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh, đơn vị kinh doanh trong mạng lưới hoạt động TCTD.

Thứ tư, NHNN yêu cầu các TCTD rà soát chất lượng cán bộ, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá cán bộ, hạn chế rủi ro đạo đức có thể xảy ra. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên của TCTD.

Cuối cùng, NHNN yêu cầu các TCTD cần phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro, vi phạm có thể xảy ra đối với TCTD

FE Credit là tâm điểm?

Năm 2010, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thành lập Khối Tín dụng Tiêu dùng với định hướng tập trung vào hoạt động cho vay tiêu dùng dưới thương hiệu FE Credit.

Tháng 7/2014, VPBank thực hiện mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank (VPBFC hay FE), và chuyển dần hoạt động của Khối Tín dụng Tiêu dùng sang công ty này.

Năm 2015 là năm đầu tiên hoạt động tài chính tiêu dùng của VPBank vận hành hoàn toàn theo mô hình công ty con của VPBank và vẫn giữ thương hiệu FE Credit. Chỉ sau 3 năm hoạt động, tổng tài sản, dư nợ tín dụng và thu nhập từ lãi của FE Credit liên tục tăng cao qua các năm.

Cụ thể, tính đến hết năm 2017, tổng dư nợ cho vay của khách hàng đạt 44.797 tỷ đồng, tăng trưởng 39,5% so với năm 2016. Năm 2016, tăng trưởng tín dụng của FE Credit còn lên đến 59%; năm 2015 là 456%

Đây cũng là đơn vị chủ lực của VPBank. Trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.130 tỷ đồng năm 2017 của VPBank, FE Credit đóng góp khoảng 4.189 tỷ đồng, chiếm 51%. Còn năm 2016, FE Credit đóng góp tới 64,8% lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho VPBank.

Sự gia tăng của những khoản vay tiêu dùng trong tổng tài sản của FE Credit cũng đi kèm với sự gia tăng của các khoản nợ xấu. Nếu như tỷ lệ nợ xấu của FE Credit trong năm 2015 là 4% thì con số này đã tăng cao một cách nhanh chóng lên mức 6,3% trong năm 2016 và giảm nhẹ về 5% trong năm 2017. Trong khi ngưỡng tỷ lệ nợ xấu bảo đảm an toàn do NHNN quy định là 3%.

Và trong “chiến dịch” chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD, FE Credit sẽ không nằm ngoài khả năng bị NHNN thanh tra, nhất là những rủi ro về nợ xấu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng: FE Credit là tâm điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO