Chậm xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng trong ngành y tế

09/08/2017 00:00

(TN&MT) - Xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở khám, chữa bệnh được ngành y tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đã có rất nhiều công trình xử lý chất thải y tế được đầu tư, xây dựng, tuy vậy, ngành y tế đang gặp không ít khó khăn để giải quyết triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Tiến độ xử lý vẫn… ỳ ạch

Thống kê từ Bộ Y tế cho biết, trong số 13.000 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nguyên nhân của thực trạng này có một phần bởi Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, có 172 cơ sở y tế (CSYT) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT), trong đó, 10 CSYT còn tồn đọng từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT. Trong số 172 cơ sở gây ÔNMTNT có 1 Bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế quản lý (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên) (chiếm 1%), 62 bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 36%) và 109 bệnh viện tuyến huyện (chiếm 63%). Trong số 10 cơ sở tồn đọng từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg mới chỉ có 2 cở sở đó là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ÔNMTNT theo quy định, còn 8 đơn vị đang lập dự án và tìm nguồn vốn đầu tư.

Đại diện Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho biết, tính đến hết năm 2016, đã có 56/172 bệnh viện ra khỏi danh sách cơ sở gây ÔNMTNT(chiếm 32,5%), đã được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để tình trạng ÔNMTNT theo quy định. Tuy vậy, theo mục tiêu đến hết năm 2016 phải có 106 cơ sở ra khỏi danh sách gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Vì vậy, cho đến nay, vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra theo QĐ 1788. Ngoài ra, 57/172 (chiếm 33,7%) cơ sở đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, hiện đang làm thủ tục ra khỏi Danh sách gây ÔNMTNT; 7/172 (chiếm 4%) cơ sở đã được phê duyệt các hạng mục đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý CTYT; 40/172 (chiếm 23%) cơ sở đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT nhằm khắc phục tình trạng ÔNMTNT; 12/172 (chiếm 7%) chưa triển khai đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải theo quy định. Trong số các địa phương hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT, có tỉnh Phú Thọ (7 đơn vị) và tỉnh Thanh Hóa (5 đơn vị) có CSYT đã ra khỏi danh sách ÔNMTNT, đạt 100% yêu cầu theo quy định. Trong khi đó, một số địa phương chưa có cơ sở nào ra khỏi danh sách gây ÔNMTNT như tỉnh Sơn La có 14 cơ sở (2 cơ sở từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg), Tây Ninh 9 cơ sở; An Giang 9 cơ sở, Đắc Nông 7 cơ sở, Cao Bằng 6 cơ sở; Bình Thuận 4 cơ sở; Hà Giang 8 cơ sở…

Nhiều cơ sở y tế đã được đầu tư công trình xử lý nước thải hiện đại
Nhiều cơ sở y tế đã được đầu tư công trình xử lý nước thải hiện đại

Bên cạnh đó, một số địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải cho các CSYT và đi vào hoạt động, kết quả quan trắc môi trường đạt yêu cầu quy định nhưng do vướng mắc về việc làm thủ tục ra khỏi danh sách gây ÔNMTNT nên chưa được cấp chứng nhận hoàn thành, cụ thể như tỉnh Thái Bình (7/16 cơ sở), Gia Lai (5/6 cơ sở), Đắk Lắk (8/18 cơ sở), Cao Bằng (4/6 cơ sở)… Ngoài ra, có một số địa phương đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT như Đắk Lắk có 8/18 cơ sở, Nam Định có 13/16 cơ sở.

Vốn đầu tư vẫn…bí

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận, thời gian qua ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý dứt điểm các “điểm đen” ô nhiễm. Trong đó, có nhiều bệnh viện đã “rút” ra khỏi danh sách cơ sở gây ÔNMTNT như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ông Lê Đăng Khoa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bệnh viện mới đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng, với tổng kinh phí 43 tỷ đồng. Hàng năm, Sở TN&MT Thanh Hóa, Cảnh sát môi trường tới kiểm tra theo định kỳ, tất cả các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn. Trước đây, hệ thống xử lý chất thải rắn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại bệnh viện. Chính vì vậy, nên bệnh viện đã đầu tư lò đốt hiện đại từ Ý, rác thải được nghiền nát, sau đó tiệt khuẩn bằng nhiệt độ.

Một vài “điểm sáng” cũng chưa thể xóa đi những “mảng tối” trong bức tranh môi trường của ngành y bởi vẫn còn lượng nước thải y tế rất lớn từ các bệnh viện chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải ra ngoài môi trường. Đây là vấn đề hết sức cấp bách. Theo TS. Trần Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế, khó khăn là kinh phí đầu tư xử lý nước thải y tế của các bệnh viện hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, quy mô đầu tư dưới 20 tỷ đồng. Ngoài tình trạng đa số bệnh viện thiếu kinh phí để đầu tư (400 bệnh viện có nhu cầu đầu tư), tồn tại nhiều bệnh viện đã được đầu tư nhưng thiếu năng lực quản lý vận hành… dẫn đến chất lượng xử lý nước thải y tế chưa cao.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khó khăn hiện nay là đầu tư kinh phí cho công tác xử lý nước thải y tế rất lớn nhưng nguồn lực đầu tư chưa được như mong muốn, còn khiêm tốn. Đặc biệt ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo một số bệnh viện chưa cao, còn coi xử lý nước thải y tế là việc phụ và chưa quan tâm đúng mức. Cùng đó, chưa huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác này.

Thái Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng trong ngành y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO