Chạm vào ước mơ xanh

Việt Hùng - Việt Hải| 07/03/2023 12:35

(TN&MT) - Trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ, 9 quân nhân Biên phòng và 6 chó nghiệp vụ đã mang niềm tự hào về với Trường Trung cấp 24 Bộ đội Biên phòng, thành tích này sẽ là động lực để Nhà trường viết tiếp những ước mơ xanh.

Họ chỉ có 2 ngày chuẩn bị

Điện về từ Trung tâm Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong một trao đổi chớp nhoáng, Đại tá Nguyễn Văn Thuyên - Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Bộ đội Biên phòng và Thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi cùng chung ý nghĩ: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho nhiệm vụ này. Chúng tôi sẵn sàng nhận lệnh”.

truong-trung-cap-24-bien-phong_50-min.jpg
Nét đẹp trên thao trường. Ảnh: Khương Trung

Nếu là nhiệm vụ ứng cứu trong nước, tốc độ cơ động sẽ diễn ra trong khoảng 30 phút, còn với nhiệm vụ cứu hộ quốc tế, thời gian chuẩn bị khoảng 2 ngày. Trong 2 ngày ấy, bên cạnh nội dung chỉ huy đơn vị và Đoàn công tác của Nhà trường làm nhiệm vụ chuẩn bị, phối kết hợp với Đoàn đi để khớp nối, tiếp cận thông tin từ các lực lượng cứu hộ tại hiện trường xảy ra động đất, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên đã cùng Ban Giám hiệu Nhà trường và lãnh đạo, chỉ huy các khoa, phòng, ngay lập tức tới từng gia đình 9 quân nhân tham gia nhiệm vụ đặc biệt này để làm công tác hậu phương, nắm tình hình tư tưởng, hoàn cảnh hiện tại,...

“Đi vào tâm chấn của trận động đất kéo dài cả trăm cây số với sức tàn phá khủng khiếp như vậy, đơn vị chúng tôi xác định đi vào một trận đánh. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng để anh em vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối thì làm tốt công tác tư tưởng, hậu phương cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra với chúng tôi. Hậu phương vững thì tiền tuyến sẽ vững lòng hơn” - Đại tá Nguyễn Quang Thuyên chia sẻ.

truong-trung-cap-24-bien-phong_55-min.jpg

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên khi đó không tham gia đội hình cứu hộ được vì vợ anh chuẩn bị phẫu thuật. Dù đứng ở góc độ chuyên môn, anh tin là công tác cứu hộ sẽ thành công, nhưng trong lòng anh không khỏi ngổn ngang suy nghĩ về công tác đảm bảo an toàn. Cùng với Ban Giám hiệu và cơ quan chuyên môn, anh đã trực tiếp tham mưu trong việc chọn chó chọn người; tham mưu cho Trưởng đoàn công tác của Nhà trường về việc có tên trong Ban Chỉ đạo công tác tìm kiếm để tham mưu cho người Chỉ huy cách thức điều khiển sử dụng chó tìm kiếm cứu nạn,…

Việc trang bị kiến thức về động đất là một trong những nội dung được Nhà trường quan tâm hàng đầu. Trong 2 ngày, đoàn đã được truyền thụ một số kiến thức đảm bảo an toàn trong điều kiện động đất và dư chấn. Có rất nhiều kinh nghiệm quan sát mà Trưởng đoàn cũng như mỗi thành viên đều phải tự trang bị cho bản thân. Ví như việc quan sát tư thế các ngôi nhà trong dư chấn để thực hiện cứu hộ hiệu quả và an toàn, rung tại chỗ hay xu hướng nghiêng phía nào, lúc bấy giờ mới đưa chó vào tìm kiếm. Với những ngôi nhà sụp tại chỗ, sự sống sẽ ít có cơ hội hơn so với tư thế các ngôi nhà nghiêng đổ vào nhau, ở giữa đó sẽ là khảng trống; sự sống nằm ở đó.

Địa hình, thời tiết và kỹ năng ứng phó

Những kiến thức này liên quan đến môn trắc địa học, địa hình quân sự… mà những người lính của Trường Biên phòng 24 phải biết. Phải nắm được kiến thức về phân tích bình độ, cắt góc quân sự, đường phân thủy… để ứng dụng trong tìm kiếm cứu nạn đảm bảo hiệu quả và nâng tính an toàn, tiết kiệm công sức, thời gian tiếp cận địa hình để nhanh chóng rời xa khu vực nguy hiểm.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Trung Kiên: “Động vật có linh tính bản năng rất cao, tính bản năng ở chó cũng vậy, chó được trời phú cho phản xạ ứng phó trước nguy hiểm từ tự nhiên. Tôi luôn nhắc đi nhắc lại với anh em rằng mình phải theo sát nó, quan sát nó, khi thấy con chó bỗng dưng bỏ chạy là người phải chạy theo ngay. Chốt lại, mình dạy động vật các phản xạ nhưng mình cũng học được ở nó những sự đối phó với thiên nhiên từ phản xạ bản năng có ích của con vật”.

truong-trung-cap-24-bien-phong_49-min.jpg

Thời tiết cũng là một mối quan tâm. Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng vẫn chưa quên cái lạnh ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Những ngày đầu, sân bay nước sở tại làm thất lạc hành lý nên khá khó khăn. Đêm đầu tiên, anh em phải tìm hộp carton, ni - lông và giấy báo, vải bạt phủ ấm cho chó, lấy vali quây lại để che gió. Những ngày sau, khi có lán trại, đèn sưởi luôn bật để giữ ấm cho chó và đảm bảo sức khỏe cho đoàn.

Dù chó nghiệp vụ có xuất xứ từ xứ lạnh, tuy nhiên nhiều năm ở vùng nhiệt đới gió mùa, khi sang vùng lạnh, nhiệt độ cũng sẽ ảnh hưởng đến khứu giác của chó. Vì vậy, anh em đã phải có bước thao tác cho chó làm quen với khí hậu, tìm hiểu môi trường để thích nghi khứu giác rồi mới bắt tay vào công việc. Trong điều kiện vừa mất an toàn, vừa ô nhiễm môi trường, cán bộ, quân nhân bắt buộc phải mang khẩu trang và trang bị khăn mềm, nước muối sinh lý để thường xuyên lau mũi cho chó. Đó là chưa kể, mỗi chú chó sẽ có thuốc tăng sức đề kháng như quân nhân, hằng ngày thường xuyên uống để giữ gìn sức khỏe.

Đoàn công tác có 10 ngày trong tâm chấn thì 10 ngày đó, Ban Giám hiệu, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên và nhiều anh em không ngủ được. Nhiều niềm tin nhưng cũng rất nhiều nỗi lo. Những ngày ấy, anh em thường xuyên liên lạc qua zalo, quay hiện trường gửi về để trao đổi, xin ý kiến.

truong-trung-cap-24-bien-phong_12-min.jpg
Phút thân thiện của “quân khuyển” với phóng viên Báo TN&MT. Ảnh: Khương Trung

Cũng những ngày đó, lá cờ đỏ sao vàng đi đến đâu đều nhận được sự tin yêu của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Thái độ tận tụy, tinh thần cảm thông sẻ chia và kết quả tìm kiếm của Đoàn Việt Nam, trong đó có 9 quân nhân Biên phòng và chó nghiệp vụ đã gây ấn tượng mạnh với nước sở tại và các quốc gia tham gia ứng cứu.

Họ đã trở về trong nhiều cảm xúc đan xen, anh em gặp nhau ôm nhau, miệng cười mà nước mắt cứ trào ra. Trong những nỗi niềm ấy là trĩu nặng nỗi ưu tư về mất mát đau thương của đất nước Bạn. Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng vẫn chưa hết xúc động tâm sự:

“Chứng kiến cảnh tang thương của Bạn, lòng chúng tôi rất đau xót như chính người thân trên đất nước mình. Chúng tôi đã nén nước mắt để lao vào nhiệm vụ. Càng trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi càng phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo an toàn tuyệt đối trở về”.

Từ nhiệm vụ nghĩ về những ước mơ

Trong số 38 nạn nhân được đoàn cứu hộ Việt Nam đưa ra khỏi đống đổ nát, có 2 nạn nhân còn khả năng sống. Nghiên cứu mùi hơi của người sống mắc kẹt trong công trình do động đất, sạt lở để xác định nâng cao hiệu quả ứng cứu đang là công trình đi được một chặng đường của Khoa Giám biệt nguồn hơi nói riêng và Trường Trung cấp Biên phòng 24 nói chung.

Từ thực tiễn huấn luyện của nhà trường những năm 2003 cho đến thời điểm 2007 khi sập mỏ đá D3 (Công trình thủy điện Bản Vẽ Nghệ An), nhà trường đã xây dựng hệ thống tài liệu, triển khai huấn luyện, rút kinh nghiệm. Đến 2008, xây dựng thành hệ thống giáo trình, triển khai các đề tài huấn luyện cho tìm kiếm cứu nạn trong sạt lở đất đá, sập đổ công trình, vùi lấp bùn đất; sau đó tạo thành các bài tập phù hợp sát thực tiễn, đã được khẳng định thành công trong vụ tìm kiếm sạt lở mỏ than Phấn Mễ 2012, mới nhất là năm 2020 tại Rào Trăng, Tiểu khu 67 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) và rồi Hướng Phùng, Hướng Hóa và gần đây nhất là tham gia tìm kiếm quốc tế, đã khẳng định tính đúng đắn trong các bài tập mà nhà trường xây dựng trên cơ sở thực tiễn đúc kết thành lý luận, từ lý luận triển khai ra thực tiễn. Mục đích của việc nghiên cứu nhằm ứng dụng vào thực tiễn để nâng mục tiêu ưu tiên sự sống lên hàng đầu trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trong nước và quốc tế.

truong-trung-cap-24-bien-phong_16-min.jpg

Có những ước mơ tưởng chừng khó khăn nhưng với trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, tinh thần yêu nước, thái độ phục vụ nhân dân và tinh thần quốc tế cao cả, những người lính quân hàm xanh đã chạm tay vào, biến ước mơ thành hiện thực. Cùng với những mong ước lớn lao là những ước mơ rất thân thương: “Tôi mong thế giới không còn thiên tai, động đất, chiến tranh, để cuộc sống bình yên, để mọi người hạnh phúc bên người thân và gia đình. Nhưng, xã hội luôn vận động, tự nhiên và địa chất luôn biến động, cho nên những người lính Biên phòng làm công tác cứu hộ cứu nạn như chúng tôi luôn luôn phải trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng để xoa dịu bớt thương đau. Chỉ có sự nỗ lực không ngừng mới có thể chạm được vào những mơ ước bình yên ấy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạm vào ước mơ xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO