Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Đỗ Văn Sỹ, trên địa bàn huyện hiện có 25 hộ dân hành nghề sản xuất tinh bột mì. Các cơ sở sản xuất này trước đây chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên đến nay, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng tăng nên các cơ sở đầu tư thêm máy móc và mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, nhưng hầu như không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Hệ quả, chất thải, nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động đều xả thẳng ra môi trường, trong khi các cơ sở sản xuất lại nằm trong khu dân cư nên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Vừa qua, UBND huyện Tây Sơn phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường và Trung tâm Quan trắc TN&MT Bình Định tiến hành lấy 36 mẫu quan trắc đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước thải sản xuất, nước ngầm và nước mặt tại 20 hộ dân sản xuất tinh bột mì tại xã 2 Bình Tân và Bình Thành. Kết quả cho thấy, các mẫu quan trắc đều có một số chỉ tiêu phân tích vượt nhiều lần so với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. “Sau khi tỉnh có ý kiến chỉ đạo, UBND huyện sẽ làm việc với các cơ sở này để vận động chuyển đổi nghề hoặc xây dựng phương án di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư”, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết thêm.
Liên quan đến hoạt động sản xuất tinh bột mì gây ô nhiễm môi trường tại 2 xã Bình Tân và Bình Thành (huyện Tây Sơn), năm 2017 - 2018, Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường đã có nhiều bài viết phản ánh, UBND huyện và chính quyền sở tại dù nhiều lần vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh song tình hình ô nhiễm chưa có dấu hiệu thuyên giảm.