(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Trung tâm điện lực, có nhiệm vụ cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, phục vụ chủ yếu cho phụ tải khu vực phía Nam và cho cả nước thông qua hệ thống lưới truyền tải 220/500KV Bắc - Nam. Đơn vị vinh dự đầu tiên được đảm trách dự án xây dựng và là chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đáp lại sự kỳ vọng của Chính phủ và người dân địa phương chỉ là những thất vọng bởi cách làm thiếu chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Kể từ ngày UBND tỉnh Sóc Trăng và người dân địa phương bàn giao đất từ năm 2008 đến nay đã thấm thoát 5 năm…
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự lễ khởi công xây dựng bờ kè |
Dân khổ vì dự án “rùa”
Theo người dân xã Long Đức, kể từ ngày bàn giao đất cho Ban quản lý dự án đến nay đã được hơn 5 năm, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy một nhà máy nào mọc lên ở đây. Đoàn người kéo đến rồi lại bỏ đi rất nhiều. tiếp chúng tôi trong căn nhà lợp lá ẩm thấp, ông Lê Văn Dô cùng vợ và mấy người con sinh sống ở ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bất bình cho biết: Cuộc sống của người dân ở đây bây giờ quá khổ. Gia đình ông và mấy chục hộ dân sinh sống quanh đây đều thuộc diện “treo”. Nguyên do, năm 2008, khi UBND tỉnh Sóc Trăng có quyết định thu hồi đất để làm Trung tâm dự án điện lực Long Phú, người dân địa phương rất đồng tình ủng hộ bàn giao đất để làm dự án. Nhưng tưởng làm ngay, cho đến nay đất đai sau khi bị thu hồi, người dân mới thấy chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho Tổng thầu là Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) tiến hành bơm cát vào dự án rồi… bỏ mặc cho cỏ mọc, không một động tĩnh gì nữa. Thời gian giao đất cho dự án đến nay đã được hơn 5 năm. Mỗi nhìn sang dự án thấy cỏ mọc ngập người, ai cũng xót xa. Khi được hỏi lý do tai sao chưa chuyển hẳn về khu tái định cư mới, ông Dô cho biết: Nhà ông có gần 15.000m2 đất. Giờ nhà nước mới thu hồi có 3000 m2, vẫn còn hơn 10.000 m2 nữa là chưa thu hồi. Đất vẫn nằm trong quy hoạch của dự án. Bởi vậy gia đình vẫn phải ở để trông nom vườn tược. Khổ nhất là vào mùa mưa, suốt mấy năm qua, cứ mưa là ngập nhà bởi dự án đổ cát làm ngập hết đường tiêu thoát nước. Bất bình trước tình trạng sống treo, ông Dô cho biết: nếu lấy đất tiếp theo như quy hoạch thì gia đình ông sẵn sàng bàn giao tiếp, còn Chủ đầu tư không làm nổi thì nên nghỉ đề người dân khỏi sống trong quy hoạch treo, ổn định lao động sản xuất.
Qua điều tra, chúng tôi được biết, hiện vẫn còn mấy chục hộ dân sinh sống quanh khu vực bị thu hồi đất. Lý do bà con chưa đi về tái định cư mới là do đất đai của họ vẫn chưa thu hồi đến. Nhiều hộ gia đình không dám bỏ đi vì mọi quyền lợi như hoa màu, cây cối, nhà cửa, tài sản… vẫn nằm trên đó. Khi được hỏi, ai ai cũng lắc đầu ngao ngán trước sự chậm chạp của Chủ đầu tư cũng như mọi kỳ vọng trước đó đều nhanh chóng tan biến thành thất vọng. Khi được hỏi, ai ai cũng buồn vì sự chậm chạp của dự án này. Cứ chờ đợi mà không làm ăn được gì thì người dân đã khổ, càng thêm khổ.
Bờ kè và sân tennis
Ngay từ đường vào dự án xây dựng nhà máy, chúng tôi thấy quang cảnh của một dự án trọng điểm trông rất “thê thảm”. Hai nhân viên bảo vệ của một công ty dịch vụ bảo vệ đang ngồi nghịch điện thoại và nghe nhạc. Sau khi nghe phóng viên trình bày, người bảo vệ đã liên hệ với Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Long Phú – Sông Hậu trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau nhiều giờ chờ đợi, với lý do ông Nguyễn Doãn Toàn, Trưởng ban quản lý dự án đi Hà Nội công tác, không tiếp nên không trả lời được gì. Còn ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng tổ chức – hành chính của Ban quản lý thừa nhận, đúng là dự án chưa làm được gì ngoài đổ cát, tạo mặt bằng. Để minh chứng về sự việc này, ông Tiến có dẫn phóng viên ra ngoài công trường để biết sự thật. Tại hiện trường, chúng tôi thấy đúng là lãng phí, cả một bãi cỏ khổng lồ, rộng hơn 200 ha để không, cỏ mọc cao lút ngang người. Xót xa trước cảnh đất bỏ hoang, một số người dân sinh sống ven đó mang trâu bò vào thả.
Cổng vào nhà máy chỉ có mỗi bảo vệ ngồi chơi điện tử, nghe đài |
Tìm hiểu và quan sát, chúng tôi thấy suốt mấy năm qua, kể từ ngày giao đất cho đến ngày Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Đinh La Thăng bấm nút khởi công xây dựng dự án cho đến nay, tại hiện trường mới chỉ có vài dãy nhà mọc lên. Đáng kể nhất là có hai sân tennis của Ban Quản lý và Tổng thầu EPC là Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) mọc lên cho các cán bộ ở đây hàng ngày luyện tập sức khỏe. Còn lại, dự án vắng như tờ. Còn ở phía bên ngoài bờ sông, chủ đầu tư cũng dựng được một bờ kè có tổng chiều dài giai đoạn 1 là 700m, tổng mức đầu tư cho hạng mục bờ kè là khoảng 103.738.585.000 đồng. Ngoài ra tuyệt nhiên không còn một bóng dáng gì của một đại công trường trọng điểm nữa. Như vậy, câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước số tiền mấy trăm tỷ đồng đầu tư vào các hạng mục như bờ kè, GPMB, trả lương người lao động, cũng như để đất bỏ hoang, trong khi người nông dân rất cần đất để sản xuất…
Tuy nhiên, thay vì đáp lại sự thiện chí, sau khi gọi điện báo cáo lãnh đạo xong, ông Tiến thản nhiên cho biết: Nếu có muốn phỏng vấn gì, cứ ra ngoài Tập đoàn liên hệ công tác. Được sự đồng ý sẽ trả lời đầy đủ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 thuộc Quy hoạch điện VI của Chính phủ, là một trong ba nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú (tổng công suất khoảng 4.400MW) theo quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Trong đó, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 là dự án khởi công xây dựng đầu tiên tại Trung tâm điện lực, có nhiệm vụ cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, phục vụ chủ yếu cho phụ tải khu vực phía Nam và cho cả nước thông qua hệ thống lưới truyền tải 220/500KV Bắc - Nam. Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 dự kiến xây dựng được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 115ha, gồm 02 tổ máy (2 × 600MW) và hệ thống thiết bị đồng bộ, hiện đại. Đây là nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Việt Nam có quy mô công suất 1200MW sử dụng công nghệ siêu tới hạn có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Nhà máy sử dụng loại than có chất lượng tốt được nhập khẩu từ Indonesia và Australia. Hợp đồng khung mua than dài hạn cho Dự án đã được ký kết với các nhà cung cấp. Nguồn vốn đầu tư cho Dự án được huy động 30% từ vốn đầu tư phát triển của PVN, 70% từ vốn vay, trong đó chủ yếu là vay tín dụng xuất khẩu (ECA). Đến nay, một số thiết bị chính của nhà máy như lò hơi, tuabin máy phát và hệ thống phụ trợ cơ bản đã đạt được các thoả thuận tín dụng xuất khẩu với các nhà cấp hàng và các tổ chức tín dụng. Tổng thầu PTSC phấn đấu đưa vào vận hành thương mại tổ máy 1 Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 sau 39 tháng (trong năm 2014) và hoàn thành toàn bộ Nhà máy sau 45 tháng (khoảng đầu năm 2015). Khi hoàn thành, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ KWh/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng với hiện trạng như hiện nay thì dự án này chỉ là “bánh vẽ”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những uẩn khúc ở dự án này.
Bài & ảnh: Khánh Nhật – Đà Giang