CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo: Người mang cà phê Việt ra thế giới

Mai Hương| 20/06/2022 20:05

(TN&MT) - Ngày 01/8/2021, CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo đã công bố dự án Happy Farmers - một dự án cộng đồng hỗ trợ người nông dân trồng ra những hạt cà phê có chất lượng cao hơn, áp dụng các phương pháp và công nghệ canh tác tiên tiến, bền vững, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao giá trị và giá bán, xây dựng những vùng nguyên liệu xanh, sạch, phát triển bền vững, mang đến đời sống tốt đẹp hơn cho bà con nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên.

PV Báo TN&MT đã có buổi trò chuyện với bà Lê Hoàng Diệp Thảo - CEO King Coffee về những câu chuyện thú vị về dự án Happy Farmers, về con đường xây dựng thương hiệu King Coffee ở nước ngoài và khát vọng về chiến lược xây dựng và sản xuất những sản phẩm nông sản Việt chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

PV: Cơ duyên nào để bà sáng lập và triển khai dự án Happy Farmers?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo:

Có thể nói Happy Farmers là một trong những dự án mà tôi ấp ủ ngay từ những năm còn rất trẻ. Lúc đó tôi mới ngoài 20 tuổi, tôi sống ở vùng đất Tây Nguyên nơi được biết đến là vựa cà phê Robusta lớn nhất thế giới, chứng kiến những khó khăn vất vả của người nông dân trồng cà phê nên tôi ấp ủ và hoài bão dự án này.

Happy Farmers là dự án cộng đồng đang được triển khai giúp người nông dân ở Tây Nguyên trồng ra những hạt cà phê có chất lượng cao hơn, đồng thời áp dụng phương pháp canh tác tiên tiến, bền vững, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn giúp các thế hệ thành viên trong gia đình họ có cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua các chương trình hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, khởi nghiệp, việc làm, chữa bệnh…

Khát vọng lớn nhất của tôi khi triển khai Happy Farmers, đó là dự án này sẽ là một phần quan trọng trong việc đề xuất chiến lược phát triển ngành cà phê Việt Nam: sản xuất những sản phẩm nông sản chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Happy Farmers sẽ giúp nâng cao giá trị và vị thế các sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới, trong đó có các ngành thế mạnh như: cà phê Robusta, hạt điều, chè, hồ tiêu…

anh-bai-pv-2.jpg
Hạnh phúc của tôi là mang lại niềm vui và cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con nông dân ở Tây Nguyên

PV: Để Happy Farmers đạt được những mục tiêu mong muốn, theo bà cần có những sự hỗ trợ như thế nào để giúp cho người nông dân tham gia và hưởng lợi từ dự án?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo:

Mục tiêu của Happy Farmers là trở thành nhà cung ứng “1 cửa” lớn nhất (Biggest trading gate in Vietnam to the world) cho các đối tác quốc tế những mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Hiện nay, Happy Farmers đã chiêu thị được rất nhiều nhà cung ứng tại vùng nguyên liệu như: Đắk Lắk, Gia Lai thông qua các hình thức như hỗ trợ bao tiêu thu mua. Chúng tôi đã thành lập Happy Farmers Commodities Trading - nơi có sẵn các kênh liên lạc từ hệ thống tạo nguồn cung cấp, chuẩn bị và khai thác sản phẩm, hệ thống vận chuyển nội địa nhanh chóng, thuận tiện.

Người nông dân là nhân tố gốc để có được những sản phẩm chất lượng. Do vậy, các ngân hàng cần phải kết nối với các dự án giúp người nông dân có nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Có như vậy hiệu quả hỗ trợ người nông dân mới thực sự phát huy tối đa.

Bên cạnh đó, tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam đang đứng trước thời cơ và cơ hội rất lớn. Đại dịch dần được kiểm soát, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được nối lại. Với ngành nông nghiệp, Chính phủ đang hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp bền vững tại các vùng nguyên liệu.

Do đó, Happy Farmers cũng đặt mục tiêu thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp, các tổ chức nông hộ để mở rộng nguồn cung hàng hóa, đa dạng hóa các loại sản phẩm khác có thể cung ứng cho nhu cầu của thị trường thế giới, cũng như phát huy hiệu quả mô hình liên kết “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” để tạo những cơ hội đầu tư nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang trong vận hội mở rộng thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

ba-thao.jpg
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại sự kiện Back & Bounce (Trở lại và vĩ đại hơn)

PV: Việc ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số của Happy Farmers sẽ có những tác động như nào đối với người nông dân trồng cà phê tại các địa phương?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo:

Happy Farmers sử dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc, giúp người nông dân nỗ lực phát triển trang trại và chất lượng để đạt được giá bán cao hơn và cao nhất.

Ngoài ra, ứng dụng IoT vào việc trồng cà phê là một nền tảng nông nghiệp thông minh, giúp người nông dân nâng cao chất lượng hạt cà phê, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tạo ra giá trị cao cho các chủng loại khác nhau, giúp doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao cho người tiêu dùng toàn cầu. Bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ 4.0 và hỗ trợ chuyển đổi số sẽ hỗ trợ thông tin nuôi trồng cho nông dân kịp thời và hữu ích nhất.

Hơn nữa, ứng dụng 4.0 và chuyển đổi số giúp chất lượng cà phê trở nên hoàn hảo hơn dựa trên tập dữ liệu thu thập theo thời gian, từ đó người nông dân gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo được sản lượng và chất lượng đầu ra, tạo lợi thế cạnh tranh và dẫn đầu thị phần; Truy suất được nguồn gốc; Kiểm soát Chuỗi cung ứng; Quy định tiêu chuẩn và đánh giá; Kiểm soát chất lượng dựa trên các chứng nhận, qui định, tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

nha-may.jpg
King Coffee - dòng cà phê chất lượng được định vị là Chuyên gia cà phê

PV: Bà có thể chia sẻ những dấu mốc quan trọng, những câu chuyện thú vị trong quá trình sáng lập và phát triển thương hiệu cà phê của Việt Nam, khẳng định thương hiệu và vị thế của cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê của thế giới?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo:

Tôi có hơn 25 năm gắn bó với cà phê, những dấu mốc quan trọng và câu chuyện thú vị cũng nhiều như các loại hương vị cà phê vậy, cứ ở thời gian này, hoàn cảnh kia ghép vào với nhau sẽ thành một dấu mốc, cái gì cũng quan trọng và cần chia sẻ cả.

Tôi không thể quên được ngày tôi sáng lập thương hiệu Trung Nguyên từ một ngôi nhà cấp 4 nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm không lầu, không biển hiệu để giờ đây trở thành một trong những thương hiệu cà phê lớn nhất Việt Nam. Tôi cũng không thể quên những thời khắc tôi cho ra đời thương hiệu cà phê hòa tan G7, thương hiệu ngay lập tức giành được thị phần lớn và tới nay vẫn có tầm ảnh hưởng trên thị trường cà phê hòa tan…

Tôi có thể sẽ không chia sẻ hết được ở đây những cột mốc đó. Tôi chỉ muốn nói tới không biết bao lần tôi đi nước ngoài, gặp gỡ, tham dự các hội thảo, cuộc họp cà phê quốc tế để tôi hiểu và quyết tâm thêm ước vọng mang cà phê Việt ra thế giới của mình.

Chính vì vậy, khi gặp biến cố lớn của gia đình, tôi lần nữa khởi nghiệp với King Coffee vào năm 2015. Bạn thấy đấy, 5 năm ra đời, King Coffee chinh phục tới 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khắt khe và khó tính như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

5 năm King Coffee tự tin bay cao với các dòng cà phê chất lượng, phong phú bậc nhất và hiện nay định vị là Chuyên gia cà phê. Ngoài ra, 5 năm tôi giúp mang về Kỷ lục Thế giới cho cà phê Robusta và văn hóa pha chế cà phê Việt Nam; 5 năm làm cho King Coffee lớn mạnh vinh dự được đại diện cho ngành nông nghiệp trình diễn cà phê ở Triển lãm Expo 2020 Dubai lớn nhất thế giới; 5 năm để tôi tự tin giới thiệu với bạn bè quốc tế và sắp tới ở Việt Nam cuốn sách được truyền thông quốc tế quan tâm The Queen of King Coffee…

Tôi không thể kể hết được khi tôi vẫn còn tiếp tục chặng đường giới thiệu cà phê Việt Nam với bạn bè thế giới, dù đã có thành công nhưng tôi chưa dừng lại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CEO King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo: Người mang cà phê Việt ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO