Cát Bà - Hải Phòng chuyển đổi mô hình nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch
Được gọi là thành phố biển, Hải Phòng phần khẳng định tiềm năng và thế mạnh của thành phố trong phát triển du lịch. Với quy mô hơn 29.000ha mặt nước cùng với địa hình castor đẹp, Quần đảo Cát Bà, Hải Phòng vừa là điểm đến du lịch lý tưởng, vừa có những điều kiện thuận lợi trong nuôi trồng thủy hải sản.
Xuất phát từ tiềm năng NTTS & Du lịch Cát Bà - Hải Phòng
Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Lan Hạ đang từng bước để được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong nỗ lực đó, cần thiết có tầm nhìn, chiến lược phát triển du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản theo hướng bảo tồn hệ sinh thái môi trường tự nhiên và cảnh quan du lịch.
Chính những lợi thế tiềm năng này, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Hải Phòng trong nhiều năm qua đã khẳng định: Hải Phòng đã và đang thực hiện đúng chiến lược hướng ra biển cùng cả nước. Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 -NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có mục tiêu phát triển Hải Phòng sẽ là một trong những trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá của cả khu vực phía Bắc. Chủ trương này tiếp tục mở ra cho Hải Phòng nhiều cơ hội lớn. Bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức đặt ra, cần những giải pháp hữu hiệu để Nuôi trồng thủy sản và du lịch Cát Bà cùng phát triển bền vững.
Ngày 04 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu: Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.
Theo đó, ngày 18/11/2022, UBND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 3876 Phê duyệt “Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà”. Trong đó các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện chuyển đổi sang sử dụng vật liệu nhà nổi, lồng nổi bằng vật liệu HDPE đã được kiểm nghiệm và chứng minh, đáp ứng các yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
HDPE là vật liệu không còn xa lạ bởi được ứng dụng không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam trong các hạ tầng công nghiệp, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy… Đặc biệt trong vòng hơn 30 năm qua, HDPE đã được khám phá và chứng minh ứng dụng rất tốt trong nuôi biển, tiên phong là các quốc gia NaUy, Thụy Điển... Các nước láng giềng của Việt Nam gồm Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… cũng đã ứng dụng vật liệu HDPE cho ngành nuôi trồng thủy sản. Tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, những doanh nghiệp đầu ngành trong nuôi trồng thủy sản đã đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản bằng HDPE cho kết quả tốt. Với ưu điểm vật liệu có tuổi thọ từ 30-50 năm, an toàn với môi trường biển, chống chịu gió bão, thân thiện môi trường, đặc biệt đáp ứng tốt kế hoạch phát triển nuôi biển công nghiệp, công nghệ cao.
Cát Bà - Hải Phòng những quyết tâm chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản
Các hộ ngư dân nuôi trồng thủy sản trên Vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà nhiều năm nay vẫn sử dụng các vật liệu truyền thống như bè tre, gỗ, thùng phuy để nuôi, nhà bè sử dụng các vật liệu rất thô sơ. Ngư dân đầu tư manh mún, ngắn hạn sử dụng vật liệu thô sơ, kinh doanh tuy vẫn có lãi nhưng không nhiều, tác hại của các vật liệu này ảnh hưởng tới môi trường không hề nhỏ. Đặc biệt sau mỗi một cơn bão đi qua gây thiệt hại nhiều về tài sản, vật nuôi thậm chí là tính mạng của ngư dân. Dẫu biết vậy, để thay đổi thói quen nuôi trồng truyền thống là khó. Thời gian đầu triển khai một số hộ gặp các khó khăn, chưa được tiếp cận và hướng dẫn sử dụng mô hình mới bài bản cụ thể; Giá thành lồng bè HDPE cao, ngư dân không có khả năng đầu tư do chưa được tiếp cận vay vốn và hỗ trợ tài chính; Chưa được chính thức hỗ trợ giao quyền sử dụng mặt nước vì vậy chưa đầu tư lắp đặt…
Về phía doanh nghiệp, STP Group là một trong số ít những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ lồng bè HDPE tiên phong tại Việt Nam. Đại diện STP Group đã chia sẻ, doanh nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn trong quá trình triển khai đưa mô hình mới vào với Cát Bà - Hải Phòng. Vật liệu HDPE là vật liệu giá thành cao, để sản xuất và đưa tới cho bà con mô hình doanh nghiệp cần phải nỗ lực tận dụng tối đa hóa các nguồn lực, kêu gọi sự chung tay của nhiều bên như Khối ngân hàng nhà nước, chính quyền địa phương. Hiện STP Group đã triển khai được cụm lồng HDPE đầu tiên được gọi là lồng lego đạt chuẩn thiết kế theo QĐ3876 TP Hải Phòng đã ban hành. Được biết, đây là cụm lồng bè HDPE duy nhất đáp ứng được tiêu chuẩn của TP Hải Phòng và cũng được người dân Cát Bà quan tâm, học hỏi.
Đề án 3876/UBND TP Hải Phòng đã và đang được thực hiện tốt theo chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên để có thể thực thi có hiệu quả và đáp ứng tốt thời hạn chuyển đổi là cả một quá trình với nhiều khó khăn, cần sự chung tay của từ chính quyền các cấp địa phương tới ngư dân và doanh nghiệp. Để ngư dân có thể an tâm chuyển đổi, cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng, cụ thể về việc thuê cấp mặt nước, cơ chế vay vốn, hỗ trợ tài chính và quy định hướng dẫn đầy đủ, bài bản cách thức chuyển đổi sang mô hình mới.
Ngoài ra, tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về hành lang, thủ tục pháp lý để doanh nghiệp có thể sẵn sàng đầu tư, chung tay cùng bà con tiếp cận với mô hình lồng bè HDPE. Đặc biệt thúc đẩy việc tuyên truyền đúng đắn, kịp thời cho các cấp huyện, cấp xã và bà con ngư dân để thấu hiểu, cùng có cái nhìn tích cực và xa hơn về thay đổi diện mạo kinh tế biển tại Quần đảo Cát Bà nói riêng và TP Hải Phòng nói chung, theo Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn; trọng tâm phát triển nuôi biển gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia.