Cấp thiết xây dựng chương trình KHCN trọng điểm cấp bộ giai đoạn 2021-2025 với lộ trình cụ thể

Mai Đan| 31/07/2020 13:47

(TN&MT) - Sáng 31/7 tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) tổ chức cuộc họp trực tuyến về Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2021 – 2025. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp.

Cần thiết xây dựng chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ

Ông Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng trong giai đoạn 2021-2025 sắp tới, cần thiết phải xây dựng chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp bộ để định hướng các vấn đề, chủ đề nghiên cứu chuyên ngành, đa ngành về TN&MT đặt ra của Bộ trong giai đoạn này mà chưa được giải quyết tại các chương trình giai đoạn trước.

Để phù hợp với yêu cầu nêu trên, Vụ Khoa học và Công nghệ đề xuất lồng ghép, tích hợp các chủ đề, vấn đề nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành về TN&MT để xây dựng 5 Chương trình KH&CN cấp bộ giai đoạn 2021-2025 theo hướng như sau: Nghiên cứu khoa học phục vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật về TN&MT (mã số TNMT.01/21-25); Nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ mới, tiên tiến trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, quan trắc, dự báo, cảnh báo TN&MT (mã số TNMT.02/21-25); Nghiên cứu đổi mới sáng tạo, thiết kế chế tạo thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên và xử lý môi trường (mã số TNMT.03/21-25); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số và chính phủ điện tử (mã số TNMT.04/21-25); Nghiên cứu KH&CN phục vụ sử dụng hợp lý tài nguyên tái tạo; Tái chế, tái sử dụng rác thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (mã số TNMT.05/21-25).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Việc xây dựng các Khung Chương trình KHCN trọng điểm cấp bộ giai đoạn 2021-2025 có tính cấp thiết cao, trong đó Chương trình 01 cần nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học trước khi ban hành văn bản (thống nhất về mặt thời gian); Chương trình 02-05 bắt đầu nghiên cứu từ năm 2021, 2015 kết thúc (không mở mới).

Thứ trưởng chỉ đạo cần bám sát vào dự thảo Chiến lược ngành TN&MT, đồng thời phải có đánh giá thực trạng giai đoạn trước, kế thừa phát triển giai đoạn sau.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Vụ trưởng Vụ KH&CN Trần Bình Trọng (bên phải) và Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN Nguyễn Thạc Cường (bên trái) tại đầu cầu Vụ KH&CN

“Chương trình cần tập trung trong điểm vào các vấn đề như: cần có định hướng, đặt hàng cụ thể, không phụ thuộc vào đơn vị/cá nhân đề xuất” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Xây dựng 5 chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ với điểm nhấn cụ thể

Báo cáo tóm tắt Khung Chương trình TNMT.01/21-25, ThS. Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, theo dự thảo, Chương trình dự kiến gồm 6 nội dung chủ yếu sau: Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ sửa đổi Luật Đất đai, Đa dạng sinh học, Tài nguyên nước, Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng dự án luật Địa chất, Viễn thám, Biến đổi khí hậu; Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất hoàn thiện cơ chế về phân công, phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước về TN&MT; Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất hoàn thiện pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thiết lập tài khoản, hạch toán tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm Nhà nước giao quyền khai thác tài nguyên theo cơ chế thị trường; Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát minh bạch, nghĩa vụ đóng góp, bồi thường, ký quỹ, đặt cọc, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực TN&MT; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nội luật hóa các cam kết quốc tế, định hướng việc Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế trong lĩnh vực TN&MT.

Trình bày dự thảo Khung Chương trình TNMT.02/21-25, ThS. Nguyễn Thạc Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, chương trình gồm 5 nội dung chính như sau: Phát triển, ứng dụng công nghệ tự động hóa, số hóa, mô hình hóa, sử dụng phương tiện không người lái trong điều tra, quan trắc điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; Phát triển, ứng dụng công nghệ giám sát, dự báo TN&MT; Cảnh báo thiên tai, sự cố môi trường; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong điều tra các tài nguyên thiên nhiên mới; Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, quan trắc, dự báo, cảnh báo TN&MT; Chuyển giao công nghệ, áp dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu giai đoạn 2016-2020 và định hướng công nghệ điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, quan trắc, dự báo, cảnh báo TN&MT đến năm 2030.

Theo dự thảo Khung Chương trình TNMT.03/21-25 do ThS. Nguyễn Duy Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ báo cáo, Chương trình dự kiến gồm 5 nội dung chính: Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức KH&CN của Bộ TN&MT liên kết với tổ chức, cá nhân trong đầu tư đổi mới sáng tạo, thiết kế và chế tạo thiết bị chuyên dùng phục vụ điều tra cơ bản về TN&MT, xử lý chất thải; Đề xuất cơ chế, chính sách mua sắm đầu tư công thiết bị chuyên dùng phục vụ điều tra cơ bản về TN&MT; Nghiên cứu lựa chọn thiết bị phù hợp phục vụ điều tra cơ bản về TN&MT; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng phục vụ điều tra cơ bản về TN&MT, xử lý chất thải; Nghiên cứu xây dựng CSDL về công nghệ trên thế giới và trong nước của các thiết bị chuyên dùng phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Báo cáo dự thảo Khung Chương trình TNMT.04/21-25, ThS. Lê Phú Hà – Cục trưởng Cục CNTT&DLTNMT cho biết theo dự thảo, chương trình có 5 nội dung chính gồm: Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số trong ngành TN&MT, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghiên cứu ứng dụng, phát triển các giải pháp công nghệ nền tảng cho xây dựng Chính phủ số; Nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ phục vụ chuyển đổi số, chuẩn dữ liệu đầu ra các loại dữ liệu ngành TN&MT; Nghiên cứu ứng dụng, phát triển các giải pháp công nghệ phục vụ khai thác, cung cấp dữ liệu ngành TN&MT; Nghiên cứu, xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT.

Về Khung Chương trình TNMT.05/21-25, theo ThS. Nguyễn Duy Hùng, chương trình dự kiến gồm các nội dung như: Nghiên cứu xác định các dạng tài nguyên tái tạo có tiềm năng, công nghệ khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả; Nghiên cứu lựa chọn mô hình, nội địa hóa và phát triển công nghệ thân thiện môi trường trong tái chế, tái sử dụng chất thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; Nghiên cứu công nghệ thu hồi vật chất, năng lượng từ chất thải; Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động thu gom, phân loại; công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải.

Các đại biểu tham dự cuộc họp từ các đầu cầu

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá trong giai đoạn 2016 – 2020, Vụ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ có những ứng dụng cụ thể.

Thứ trưởng chỉ đạo cần xác định trọng điểm và tập trung nguồn lực để xây dựng 5 chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định điểm nhấn cụ thể, có lộ trình cụ thể…

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Vụ KH&CN cần xác định ngoài 5 chương trình trọng điểm còn có những vấn đề nào chưa nhìn thấy trước, sẽ thực hiện ngoài chương trình.

“Vụ KH&CN cũng như các tổ báo cáo có ý kiến góp ý, hoàn thiện khung chương trình đề báo cáo Lãnh đạo Bộ, chuyển các Tổng cục, Cục, Trung tâm... có ý kiến để hoàn thiện lại. Trước ngày 3/8, Vụ KH&CN gửi lấy ý kiến các đơn vị, hoàn thiện và gửi xin ý kiến Lãnh đạo Bộ. Sau đó, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện bản cuối cùng trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt trước ngày 30/8” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết xây dựng chương trình KHCN trọng điểm cấp bộ giai đoạn 2021-2025 với lộ trình cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO