Ông Nguyễn Đắc Lực, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La. |
Xử lý 8 trường hợp vi phạm
PV: Xin ông cho biết để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên dòng sông Mã, tỉnh Sơn La đã thực hiện những giải pháp như thế nào?
Ông Nguyễn Đắc Lực: Qua theo dõi, nắm bắt, chúng tôi được biết trên dòng sông Mã vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Do chưa cấp phép hoạt động khoáng sản cho tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác cát, nên để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật khoáng sản năm 2010, quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản với UBND các huyện, thành phố; Sở TN&MT Sơn La đã tham mưu UBND tỉnh giao cho UBND huyện Sông Mã tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc khai thác cát trái phép.
Thực hiện nội dung này, huyện Sông Mã đã thành lập 2 đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác cát trái phép. Kết quả kiểm tra từ tháng 11/2015 tới nay, đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt 8 trường hợp bắt quả tang đang tiến hành khai thác cát trái phép, với tổng số tiền phạt 28,5 triệu đồng.
Với những trường hợp biểu hiện sửa sang máy móc, chuẩn bị phương tiện hút cát, Đoàn đã lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu cam kết không tái phạm.
Hiện nay, UBND huyện Sông Mã vẫn tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, công an huyện duy trì lực lượng kiểm tra thường xuyên, xử lý kiên quyết các trường hợp cố tình không chấp hành. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn báo cáo tình hình hàng ngày về thường trực UBND huyện, nắm, chỉ đạo.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ dân chấp hành nghiêm quy định của Luật Khoáng sản, không tổ chức khai thác cát trái phép.
PV: Được biết, lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã nhiều lần kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết không khai thác cát trái phép với người dân. Vậy nguyên nhân nào khiến tình trạng này vẫn tái diễn, thưa ông?
Ông Nguyễn Đắc Lực: Phải khẳng định lại rằng, việc khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Mã là do người dân tại chính địa bàn tham gia. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc, tàu hút cát. Nên khi bị cấm hoạt động vẫn tốn chi phí lớn để duy trì trang thiết bị.
Cộng thêm, khi dừng hoạt động, giá cát trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, nên một số hộ dân đã lén lút khai thác cát trở lại. Trong khi đó, địa bàn khai thác cát trái phép trải dài gần 40km dọc sông Mã; các điểm khai thác không tập trung, phân tán, lực lượng cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn còn quá mỏng, công tác thanh, kiểm tra vì thế còn gặp nhiều hạn chế.
Lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã rất kiên quyết kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát, nhưng tình hình khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp. |
Tận dụng trang thiết bị của người dân
PV: Từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Sơn La đã có chủ trương chấp thuận cho Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính, Thương mại Dịch vụ FICO là doanh nghiệp thăm dò, khai thác cát sông Mã. Nguyên nhân nào dẫn tới việc chậm cấp phép cho đơn vị này, thưa ông?
Ông Nguyễn Đắc Lực: Nguyên nhân chính là do Sở TN&MT đang trong quá trình phối hợp với các Sở, ban ngành và UBND huyện Sông Mã, tham mưu cho UBND tỉnh rà soát các khu vực đề nghị cấp giấy phép thăm dò cát sông Mã. Sau khi rà soát, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh tiến hành họp Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò cát trên dòng sông Mã và cấp giấy phép thăm dò cho Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính, Thương mại Dịch vụ FICO theo quy định.
PV: Sau khi được cấp phép, doanh nghiệp sẽ có phương án khai thác ra sao để bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền lợi người dân?
Ông Nguyễn Đắc Lực: Hiện nay, Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính, Thương mại Dịch vụ FICO đã lập phương án khai thác của doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, việc thỏa thuận với người dân và doanh nghiệp và phương án tài chính trong quá trình khai thác.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tiến hành khai thác cát lộ thiên vào mùa khô và hút cát bằng máy bơm hút cát, sỏi, máy xúc, tàu cuốc vào mùa mưa.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tận dụng máy móc thiết bị, thuyền của người dân địa phương đã đầu tư bằng cách ký hợp đồng hưởng theo sản phẩm với người dân. Tuy nhiên, người dân phải đảm bảo máy móc thiết bị còn tốt, không gây ô nhiễm, ảnh hưởng tác động xấu tới môi trường xung quanh. Giá thành do chủ đầu tư và người dân tự thống nhất. Các hộ dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật khoáng sản và phải khai thác theo phương án của chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt. Máy móc thiết bị phải phù hợp với dự án đầu tư được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt.
Trong quá trình khai thác, nếu tận dụng máy móc thiết bị thuyền của người dân chưa đủ, Công ty FICO sẽ tiến hành đầu tư máy móc thiết bị mới phù hợp.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Bài & ảnh: Nguyễn Nga