Ngày 5/4, các quan chức y tế Australia cho biết, họ đã lạc quan một cách thận trọng về sự lây lan chậm của virus corona ở nước này nhưng cảnh báo sẽ tiếp tục thực thi biện pháp hạn chế về khoảng cách xã hội trong nhiều tháng.
Giám đốc Y tế Australia Brendan Murphy cho biết tính đến chiều 5/4, số ca nhiễm được xác nhận đã tăng 139 người trong khoảng thời gian 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm tại Australia lên 5.687. Trong khi đó, số người chết vì COVID-19 tại quốc gia này là 34 người.
Điều này cho thấy tỷ lệ ca nhiễm hàng ngày dưới 5%, bằng khoảng 1/5 so với số ca nhiễm của Australia vào giữa tháng 3.
“Chúng tôi ngày càng tin tưởng rằng nếu mọi người tiếp tục tuân thủ những gì chúng tôi đã yêu cầu họ làm thì Australia có thể ngăn chặn tình huống tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới”, ông Murphy cho biết tại một cuộc họp ngắn trên truyền hình.
Australia đã cấm mọi người rời khỏi nhà vì bất cứ lý do gì, ngoại trừ các hoạt động cần thiết nhất và các cuộc tụ họp công cộng hạn chế chỉ hai người. Biên giới giữa các bang, quán cà phê, câu lạc bộ, công viên và phòng tập thể dục bị đóng cửa.
Một số tiểu bang tại Australia cũng đã cho phép cảnh sát có quyền thực thi các quy định bằng cách phạt tiền tại chỗ và thậm chí phạt tù. Theo các nhà chức trách trong nước, chỉ riêng hôm 4/4, cảnh sát bang Victoria đã phạt 142 trường hợp do vi phạm lệnh cách ly xã hội.
Một người đàn ông đang chờ được xét nghiệm COVID-19 ở phòng khám tại Bãi biển Bondi ở Sydney, Australia vào ngày 1/4/2020. Ảnh: Reuters |
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt đã cảnh báo mặc dù có những dấu hiệu tốt nhưng người Australia vẫn sẽ phải giữ khoảng cách với những người khác trong khoảng thời gian 6 tháng khó khăn.
Ngày 5/4, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew cho biết mặc dù Australia đã đạt được một số thành công tuyệt vời trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhưng người dân trong nước vẫn còn một chặng đường dài để đi tiếp.
Ngày 4/4, quốc gia Nam Thái Bình Dương Fiji ghi nhận thêm 5 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 12 người.
Tại New Zealand, nơi nhanh chóng đưa ra lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn, các chuyến đi đến các cơ sở bán lẻ và giải trí, như nhà hàng, quán cà phê hoặc trung tâm mua sắm đã giảm 91%.
New Zealand ghi nhận 48 ca nhiễm mới vào ngày 5/4, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 872. Theo dữ liệu của Bộ Y tế New Zealand, một người đã chết vì COVID-19.
Iran: Các hoạt động kinh tế rủi ro thấp sẽ bắt đầu lại từ ngày 11/4
Ngày 5/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, các hoạt động kinh tế "rủi ro thấp" sẽ bắt đầu lại từ ngày 11/4 tại quốc gia Trung Đông này – nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.
Iran đã rất nỗ lực đương đầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhưng các nhà chức trách cũng lo ngại rằng các biện pháp ngăn chặn này có thể phá hủy nền kinh tế trong nước.
“Dưới sự giám sát của Bộ Y tế Iran, tất cả các hoạt động kinh tế có rủi ro thấp này sẽ hoạt động trở lại từ ngày 11/4 tới”, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết trong một cuộc họp trên truyền hình và nói thêm rằng những hoạt động đó sẽ tiếp tục ở Tehran, thủ đô của Iran từ ngày 18/4.
“Hai phần ba trong số tất cả các nhân viên chính phủ Iran sẽ làm việc ngoài văn phòng từ ngày 11/4… Quyết định này không mâu thuẫn với lời khuyến cáo ở nhà của các cơ quan y tế Iran” – ông Rouhani cho biết thêm.
Theo ông Rouhani, Iran vẫn ra lệnh tạm dừng các hoạt động có rủi ro cao – đóng cửa các trường học, trường đại học và các sự kiện xã hội, văn hóa, thể thao và tôn giáo khác đến ngày 18/4.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại cuộc họp nội các trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan tại Tehran, Iran vào ngày 1/4/2020. Ảnh: Reuters |
Bộ Y tế Iran cho biết tính đến ngày 4/4, số người chết vì COVID-19 tại Iran đã lên tới 3.452 trong tổng số 55.743 người nhiễm bệnh. Số ca nhiễm hàng ngày đã tăng ít nhất 100 người.
Trong khi đó, phát biểu trực tiếp trên truyền hình Iran vào ngày 5/4, phát ngôn viên của Bộ y tế Iran, Kianush Jahanpur cho biết đến nay đã có 3.603 người tử vong vì COVID-19.
Giới chức trách Iran đã phản đối việc nhiều người Iran phớt lờ lời kêu gọi ở nhà và hủy bỏ kế hoạch đi lại trong kỳ nghỉ năm mới bắt đầu vào ngày 20/3.
Các nhà chức trách y tế Iran đã cảnh báo làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới tại nước này. Chính phủ Rouhani không áp dụng lệnh phong tỏa đối với các thành phố nhưng cấm đi lại liên tỉnh cho đến ngày 8/4.
Tổng thống Rouhani sau đó cho biết sẽ gia hạn lệnh cấm này đến ngày 18/4.
Hy Lạp cách ly trại di cư thứ hai sau khi xác nhận ca nhiễm COVID-19
Ngày 5/4, Bộ Nhập cư Hy Lạp cho biết: “Hy Lạp đã cách ly một cơ sở dành cho người nhập cư thứ hai trên đất liền sau khi một người đàn ông 53 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới”.
Mới đây, giới chức trách Hy Lạp đã cách ly trại Ritsona ở miền Trung nước này sau khi có 20 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Đây là cơ sở đầu tiên ở Hy Lạp bị tấn công kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Hy Lạp là cửa ngõ chính để hơn một triệu người di cư chạy trốn khỏi tình trạng xung đột tại quê nhà tiến vào khu vực Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2015-2016. Hơn 110.000 người hiện đang sống trong các cơ sở di cư tại nước này - 40.000 người trong số họ ở các trại quá đông trên 5 hòn đảo.
Trao đổi với Skai TV, Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Notis Mitarachi cho biết: “Số lượng người di cư và người tị nạn là rất lớn, do đó, sẽ có những trường hợp nhiễm COVID-19. Chúng tôi có một kế hoạch khẩn cấp tại chỗ... Nhưng việc thực hiện nó trên các đảo khó khăn hơn nhiều”.
Cho đến nay không có ca nhiễm nào được ghi nhận trong các trại trên các đảo của Hy Lạp.
Một người di cư đeo khẩu trang tại trại tạm thời cho người tị nạn và người di cư bên cạnh trại Moria, trên đảo Lesbos, Hy Lạp vào ngày 2/4/2020. Ảnh: Reuters |
Hy Lạp đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 vào cuối tháng 2. Kể từ đó, nước này xác nhận 1.673 trường hợp nhiễm COVID-19 và 68 ca tử vong.
Đất nước này đã áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc và cấm hành khách đến từ các quốc gia ngoài EU cũng như Đức, Anh, Ý và Tây Ban Nha. Các biện pháp này đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế của Hy Lạp, đất nước vốn dựa vào ngành du lịch để phục hồi sau cuộc khủng hoảng nợ kéo dài một thập kỷ.
Ngày 5/4, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Christos Staikouras cho biết, nền kinh tế dự kiến sẽ giảm khoảng 3-4% trong năm nay.
Số liệu về COVID-19 tại một số quốc gia trên thế giới
Theo Hãng tin Reuters, số ca tử vong do COVID-19 tại Anh có thể rơi vào khoảng từ 7.000 đến 20.000 ca với các biện pháp ứng phó đang được áp dụng.
Tính đến 18h ngày 5/4 (theo giờ Việt Nam) trên trang web thống kê worldometer.info, Anh ghi nhận 4.313 ca tử vong và 41.903 ca nhiễm.
Cũng trong ngày 5/4, Bộ Y tế Bỉ xác nhận trong 24 giờ qua, 504 bệnh nhân nhiễm COVID-19 được xuất viện sau khi bình phục và 499 người phải nhập viện vì nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, Bỉ có thêm 1.260 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 19.691. Trong khi đó, nước này ghi nhận thêm 164 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 1.447.
Bộ Y tế Singapore ngày 5/4 công bố 120 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Số lượng các ca nhiễm mới tăng 60% so với 75 người mắc trong ngày 4/4, đây là mức tăng lớn nhất về số ca nhiễm theo ngày. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên đến 1.309, trong đó có 6 ca tử vong.
Ngày 5/4, Bộ Y tế Thụy Sĩ xác nhận số người chết vì COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 19 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 559.
Trong khi đó, số người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 là 21.100, tăng từ 20.278 người một ngày trước đó.
Ấn Độ đang hạn chế xuất khẩu hầu hết các bộ xét nghiệm chẩn đoán, trong bối cảnh số ca nhiễm ở quốc gia Nam Á này tăng đến 3.350 người vào ngày 5/4, mặc dù nước này đã thực thi lệnh phong tỏa 3 tuần trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo Hãng tin Reuters, Ấn Độ có 3.374 ca nhiễm, trong đó có 77 ca tử vong.
Reuters vào lúc 4h37 chiều 5/4 cũng cập nhật số liệu về các ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại một số quốc gia ở Nam Á. Theo đó, Pakistan có 2.880 ca nhiễm, 45 ca tử vong; Afghanistan có 337 ca nhiễm và 7 người tử vong; Sri Lanka công bố 166 người mắc, gồm 5 ca tử vong; Bangladesh có 88 ca nhiễm và 9 ca tử vong. Tại Maldives, Nepal và Bhutan, số ca nhiễm lần lượt là 32, 9 và 5. Cả 3 quốc gia này đều không có trường hợp nào tử vong vì COVID-19.
Cập nhật lúc 18h00 ngày 5/4/2020:
Thế giới: 1.205.802 người mắc; 64.973 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 311.637 người mắc; 8.454 người tử vong.
- Ý: 124.632 người mắc; 15.362 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 126.168 người mắc; 11.947 người tử vong.
- Trung Quốc: 81.669 người mắc; 3.329 người tử vong.
Việt Nam: 241 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
75 bệnh nhân (BN17, BN18, BN20, BN22, BN23, BN 24, BN25, BN27,BN29, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN 45, BN46, BN47, BN 48, BN 49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN57, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64 , BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN99, BN100, BN107, BN110, BN112, BN113, BN121, BN129, BN130, BN 131, BN132, BN138, BN140, BN179, BN187, BN198) mắc COVID-19, tính từ ngày 06/3 đến 04/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2).
Đến 6h ngày 5/4, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới.