G20 họp trực tuyến khi số ca nhiễm toàn cầu tăng lên gần nửa triệu người
Các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đã họp trực tuyến vào ngày 26/3 để bàn về biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tác động của dịch này đối với nền kinh tế. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm toàn cầu tăng đến hơn 471.000 người, với hơn 21.000 người chết.
Các bộ trưởng tài chính G20 và các ngân hàng trung ương đã nhất trí trong tuần này sẽ phát triển một “kế hoạch hành động” để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán sẽ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus sẽ cùng với các nhà lãnh đạo tìm kiếm sự hỗ trợ để tăng nguồn tài trợ và sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế trong bối cảnh thiếu hụt trên toàn thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước lực lượng đặc nhiệm về virus corona trong cuộc họp ngắn hàng ngày tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 25/3/2020. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ vào cuối ngày 25/3, ông Tedros cho biết: “Chúng ta có trách nhiệm toàn cầu như nhân loại và đặc biệt là những quốc gia như G20... Họ có thể hỗ trợ các nước trên toàn thế giới”.
Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman cho biết mục tiêu của đất nước là hợp nhất các nỗ lực để đối phó với dịch bệnh toàn cầu.
Ngày càng có nhiều lo ngại về các biện pháp bảo hộ đang được thảo luận hoặc thông qua khi các quốc gia đang đương đầu với cuộc chiến chống COVID-19. Phòng Thương mại Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 phối hợp với cam kết của các quốc gia như Australia và Canada để đảm bảo chuỗi cung ứng mở và tránh kiểm soát xuất khẩu.
Các chuyến bay châu Âu giảm 60% trong tuần này
Ngày 26/3, công ty dữ liệu hàng không OAG cho biết các chuyến bay ở châu Âu đã giảm 60% (tương đương 92.000 chuyến) trong tuần này so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo OAG, các chuyến bay ở Trung Đông và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng giảm lần lượt 45% và gần 30%.
Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã phá vỡ nhu cầu du lịch hàng không, buộc một số hãng hàng không lớn phải dừng hoạt động.
Anh: 560.000 tình nguyện viên giúp đỡ Dịch vụ Y tế Quốc gia
Ngày 26/3, Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock, cho biết 560.000 người đã tình nguyện giúp đỡ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) trong cuộc khủng hoảng virus corona, nhiều hơn gấp đôi số lượng mà ông hy vọng sẽ tuyển dụng.
Các tình nguyện viên giao thức ăn cho các y tá và nhân viên bên ngoài Bệnh viện St George khi dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, tại London, Anh vào ngày 23/3/2020. Ảnh: Reuters |
Trước đó, ngày 24/3, Anh đã đưa ra lời kêu gọi 250.000 tình nguyện viên đăng ký để giúp NHS và những người dễ bị tổn thương do cuộc khủng hoảng virus corona.
Nhật Bản cảnh báo COVID-19 lây lan nhưng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 26/3, Nhật Bản đã cảnh báo về nguy cơ cao do virus corona sẽ lan rộng và thành lập một đội đặc nhiệm mới để chống lại virus sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại thủ đô Tokyo của Nhật. Tuy nhiên, hiện Bộ trưởng kinh tế nước này chưa công bố tình trạng khẩn cấp.
Lực lượng đặc nhiệm mới là một bước cần thiết để tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan trong cộng đồng sau khi số ca nhiễm tăng nhanh ở Tokyo.
Đài truyền hình NHK cho biết Tokyo đã có hơn 45 ca nhiễm mới.
Mặc dù là trọng tâm ban đầu khi dịch COVID-19 tấn công tàu du lịch cập cảng gần Tokyo hồi tháng trước, Nhật Bản cho đến nay vẫn tránh được sự lan rộng số ca nhiễm tại châu Âu và Bắc Mỹ, nơi số lượng tăng lên hàng nghìn người mỗi ngày.
Trước đợt tăng số ca nhiễm mới nhất ở Tokyo, Nhật Bản đã có 1.314 ca nhiễm COVID-19 trong nước, cũng như 712 ca từ tàu du lịch. Theo hãng tin Kyodo, đã có 46 người chết trong nước và 10 người chết từ tàu du lịch.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết ông đã nói với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao.
Trao đổi với Bộ trưởng Kinh tế Nhật Yasutoshi Nishimura, Thủ tướng Abe yêu cầu tiến hành nhanh chóng việc thành lập lực lượng đặc nhiệm của chính phủ, dựa trên báo cáo của ông Kato.
Người qua đường đeo khẩu trang trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại một trung tâm mua sắm ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 26/3/2020. Ảnh: Reuters |
Theo luật sửa đổi trong tháng này để đối phó với COVID-19, Thủ tướng Abe có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu căn bệnh này gây “nguy hiểm nghiêm trọng” đến tính mạng con người và nếu sự lây lan nhanh chóng của nó đe dọa thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Trước đó, Nhật Bản đã “đánh đu” trên bờ vực suy thoái trước khi virus tấn công.
Khi tình trạng khẩn cấp xảy ra, các thống đốc ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề sẽ thực hiện các bước tương tự ở châu Âu và các tiểu bang của Mỹ, như yêu cầu mọi người ở nhà, đóng cửa trường học và các cơ sở công cộng khác và hủy bỏ các sự kiện lớn.
Cổ phiếu Nhật Bản đã sụt giảm vào ngày 26/3 sau 3 ngày tăng mạnh sau khi sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trong nước làm dấy lên lo ngại về những hạn chế khó khăn hơn đối khoảng cách xã hội.
Hitachi Ltd đã hướng dẫn 50.000 nhân viên tại các công ty của tập đoàn tại Tokyo làm việc tại nhà và tránh những chuyến đi không cần thiết.
Một cửa hàng bách hóa hàng đầu ở quận Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản cho biết sẽ đóng cửa vào cuối tuần này. Rạp chiếu phim Toho cũng cho biết sẽ đóng cửa các rạp chiếu phim ở Tokyo và quận Kanagawa gần đó vào 2 ngày cuối tuần (28-29/3).
Indonesia: 103 ca nhiễm mới, thêm 20 ca tử vong
“Indonesia đã xác nhận 103 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 893”, quan chức Bộ Y tế nước này, Achmad Yurianto cho biết ngày 26/3.
“Số ca tử vong mới do COVID-19 tăng lên 20, nâng tổng số người chết lên tới 78. Tổng cộng có 35 người đã khỏi bệnh tại Indonesia” - Achmad Yurianto cho biết thêm.
Cập nhật lúc 18h00 ngày 26/3/2020:
Thế giới: 474.973 người mắc, 21.357 người tử vong, trong đó:
- Ý: 74.386 người mắc; 7503 người tử vong.
- Mỹ: 68.489 người mắc; 1036 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 49.515 người mắc; 3.647 người tử vong
Việt Nam: 153 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).