Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 25/3: Hơn 425.000 người mắc, gần 19.000 ca tử vong

Mai Đan| 25/03/2020 22:56

(TN&MT) - Tính đến 19h ngày 25/3, trên toàn thế giới đã có hơn 425.000 người mắc COVID-19, gần 19.000 người tử vong, trong đó số ca nhiễm và tử vong vẫn tập trung chủ yếu tại Ý và Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam đã ghi nhận 141 trường hợp mắc COVID-19.

LHQ kêu gọi G20 dỡ bỏ lệnh trừng phạt để đối phó với COVID-19

Trong thư gửi các nhà lãnh đạo G20 vào ngày 24/3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các nước G20 dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các quốc gia khác để chống lại virus corona gây bệnh COVID-19.

Người đứng đầu LHQ cho rằng đây là thời điểm các nhà lãnh đạo quốc gia G20 cùng nhau đoàn kết chứ không phải cô lập.

Ông Antonio Guterres kêu gọi các nước loại bỏ các biện pháp trừng phạt để đảm bảo việc cung cấp thực phẩm, vật tư y tế và hỗ trợ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo đó, các quốc gia G20 nên giải quyết vấn đề cấm thuế, các biện pháp điều chỉnh thuế quan, các quy định về hạn chế di chuyển bởi chúng ảnh hưởng đến việc cung cấp các thiết bị y tế, thuốc men và những hàng hóa cần thiết khác trong cuộc chiến chống đại dịch.

Trước đó, trong ngày 24/3, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet đã kêu gọi nới lỏng hoặc dừng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 như Iran, Venezuela, Cuba, Zimbabwe và Triều Tiên.

Michelle Bachelet cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ đảm bảo việc cung cấp các sản phẩm nhân đạo và thiết bị y tế diễn ra nhanh chóng và linh hoạt.

Thổ Nhĩ Kỳ: 44 người chết, gần 1.900 ca nhiễm

“Số người chết do COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 7 ca lên 44 ca trong ngày 24/3 trong khi số ca nhiễm bệnh tăng từ 343 lên 1.872 người”, Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết. Ông Fahrettin Koca cho biết 3.952 ca xét nghiệm đã được thực hiện trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca xét nghiệm tại Thổ Nhĩ Kỳ lên khoảng 28.000.

Một công nhân trong bộ đồ bảo vệ phun thuốc khử trùng tại Grand Bazaar để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/3/2020. Ảnh: REUTERS / Umit Bektas

Ấn Độ có thể thông qua gói kích thích 20 tỷ USD 

Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết, Ấn Độ có thể thông qua gói kích thích kinh tế hơn 1,5 nghìn tỷ rupee (tương đương 19,6 tỷ USD) để chống lại sự suy thoái tại quốc gia hiện đang bị phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Theo hai nguồn tin trên, Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa hoàn tất gói kích thích kinh tế này và các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Văn phòng Thủ tướng Narendra Modi, Bộ Tài chính và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI).

Một trong những nguồn tin này - từ một quan chức chính phủ cao cấp cho biết kế hoạch kích thích kinh tế có thể lên tới 2,3 nghìn tỷ rupee, nhưng con số cuối cùng vẫn còn đang được thảo luận.

“Gói kích thích kinh tế trên có thể được công bố vào cuối tuần và sẽ được sử dụng để dành khoản tiền trực tiếp vào tài khoản của hơn 100 triệu người nghèo và hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh phong tỏa”, các nguồn tin cho biết.

Lao động nhập cư ngồi trên xe ba gác khi họ nghỉ ngơi tại một chợ bán buôn ở khu phố cổ Delhi, Ấn Độ vào ngày 10/10/2019. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, có hiệu lực từ nửa đêm 25/3 và sẽ kéo dài 21 ngày như một phần nỗ lực để làm chậm lại sự lây lan của dịch COVID-19.

Tính đến hết ngày 24/3, Ấn Độ đã xác nhận 562 ca nhiễm và 9 ca tử vong.

Theo hai nguồn tin trên, chính phủ cũng sẽ tăng kế hoạch vay cho năm tài chính 2020-2021, bắt đầu từ ngày 1/4, từ khoản vay tổng kế hoạch hiện tại là 7,8 nghìn tỷ rupee.

Ngày 24/3, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết chính phủ sẽ sớm công bố gói giải quyết tác động của virus corona đối với nền kinh tế, đồng thời nới lỏng các mốc thời gian để nộp thuế.

Số ca nhiễm COVID-19 tại Đức tăng lên hơn 31.000

Theo số liệu thống kê từ Viện Kiểm soát dịch bệnh Robert Koch (RKI) của Đức ngày 25/3, số ca nhiễm COVID-19 ở Đức đã tăng lên 31.554 và 149 người đã chết vì căn bệnh này.

Các quy định hướng dẫn tại một cơ sở kiểm tra virus corona tại Nuertingen, Đức vào ngày 25/3/2020 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát. Ảnh: Reuters

Theo thống kê tại Đức, các ca nhiễm đã tăng lên đến 4.191 ca trong khi số người chết tăng lên 36.

Iran: Hơn 27.000 ca nhiễm, hơn 2.000 người tử vong

Theo số liệu từ Bộ Y tế Iran, số ca nhiễm tại nước này đã tăng từ 24.811 lên 27.017 ca và có thêm 143 ca tử vong, nâng số người chết vì COVID-19 lên 2.077.

Tây Ban Nha: Tổng số ca tử vong vượt Trung Quốc

Tây Ban Nha là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Ngày 24/3, chính phủ nước này đã đề nghị Quốc hội kéo dài sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đến ngày 11/4.

Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha xác nhận 738 ca tử vong vì COVID-19. Đây là ngày có số ca tử vong nhiều nhất kể từ khi Tây Ban Nha bắt đầu có ca tử vong đầu tiên.

Cụ thể, số ca tử vong vì COVID-19 tại Tây Ban Nha là 3.434 so với 2.696 của 1 ngày trước đó. Trong khi đó, nước này xác nhận 47.610 ca nhiễm COVID-19, tăng từ 39.673 của 1 ngày trước đó.

Singapore ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày

Tối 25/3, theo Hãng tin Reuters, Singapore có thêm 73 ca nhiễm COVID-19 mới. Đây là con số cao kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại đất nước này. Tổng số ca nhiễm tại Singapore hiện là 631.

Cập nhật lúc 19h ngày 25/3/2020 (theo giờ Việt Nam):

Thế giới: 425.718 người mắc, 18.953 người tử vong, trong đó:

- Ý: 69.176 người mắc; 6.820 người tử vong.

- Mỹ: 54.941 người mắc; 784 người tử vong.

Việt Nam: 141 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Theo Tổng hợp từ Reuters, Tân Hoa Xã & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 25/3: Hơn 425.000 người mắc, gần 19.000 ca tử vong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO