Mỹ: Gần 1/3 người dân ở trong nhà để hạn chế virus lây lan
Theo lệnh hạn chế đi lại, gần một phần ba người Mỹ ở trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong khi đó, Ohio, Louisiana và Delwar trở thành những bang mới nhất công bố lệnh hạn chế đi lại cùng với thành phố Philadelphia.
Theo thống kê của Reuters, 3 bang trên cùng với New York, California, Illinois, Connecticut và New Jersey thực thi lệnh hạn chế đi lại trong bối cảnh các ca nhiễm trên toàn quốc tăng đến 32.000 người, hơn 415 người chết.
Mike DeWine, Thống đốc bang Ohio cho biết: “Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 và những gì chúng ta làm bây giờ sẽ tạo ra sự khác biệt trên thế giới. Những gì chúng ta làm cũng sẽ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”.
Theo hãng tin Reuters, bang Ohio hiện có 351 ca nhiễm và 3 ca tử vong, trong khi bang Louisiana có 837 người mắc và 20 người tử vong, trong đó có nhiều trường hợp tại một cơ sở chăm sóc cao cấp. “Louisiana có số ca mắc trên bình quân đầu người cao thứ ba và chứng kiến số người nhiễm tăng gấp 10 lần trong tuần qua”, Thống đốc bang John Bel Edwards cho biết.
Hình ảnh người đi bộ phản chiếu trong cửa sổ khi họ đi ngang qua các doanh nghiệp đóng cửa ở quận Hayes Valley trong bối cảnh Thống đốc bang California Gavin Newsom yêu cầu người dân ở trong nhà để chống dịch COVID-19 tại San Francisco, California, Mỹ vào ngày 21/3/2020. Ảnh: REUTERS / Stephen Lam |
Lệnh đóng cửa bang Ohio có hiệu lực từ 0h ngày 23/3 (theo giờ địa phương) cho đến ngày 6/4. Đối với bang Louisiana, lệnh đóng cửa sẽ chính thức có hiệu lực vào lúc 17 giờ chiều 23/3 và kéo dài đến hết ngày 12/4. Tương tự tại bang Delaware sẽ tiến hành lệnh đóng cửa từ 8h sáng 24/3.
Trước đó, ngày 22/3, hạt Dallas ở bang Texas, nơi có hơn 2,5 triệu người và Philadelphia với dân số 1,6 triệu người đã yêu cầu các doanh nghiệp không cần thiết đóng cửa và người dân ở trong nhà.
Ở bang Kentucky, các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa trước 8 giờ tối 23/3 (giờ EDT) nhưng giới chức trách đã quyết định không yêu cầu người dân ở trong nhà.
Trên toàn cầu, hàng tỷ người đang đối mặt và dần thích nghi với một thực tế mới, với các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha và Pháp đã phong tỏa đất nước và một số quốc gia Nam Mỹ thực hiện các biện pháp tương tự để cố gắng vượt qua sự lây lan của dịch bệnh.
Anh: Đóng cửa trường học, học giáo dục thể chất trực tuyến
Hàng trăm ngàn học sinh ở Anh đã tham gia lớp học giáo dục thể chất trực tuyến trên mạng vào ngày 23/2 sau khi chính phủ nước này ra lệnh đóng cửa các trường học trong nước để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Huấn luyện viên nổi tiếng người Anh Joe Wicks là người hướng dẫn bài tập thể dục phát trực tiếp trên YouTube. Bài tập thu hút khoảng 800.000 người xem theo dõi. Theo dự kiến, lớp học giáo dục thể chất này sẽ diễn ra hằng ngày.
Henry Oliver (10 tuổi) tham gia lớp học giáo dục thể chất trực tuyến trên mạng do huấn luyện viên Joe Wicks hướng dẫn tại East Grinstead, Anh vào ngày 23/3/2020. Ảnh: REUTERS / Adam Oliver |
Trang YouTube của huấn luyện viên Joe đã nhận được nhiều tin nhắn bày tỏ sự ủng hộ và cảm ơn đối với các bài tập nâng cao sức khỏe này. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, con cái của học thực sự hào hứng và yêu thích những bài tập nâng cao sức khỏe trong video.
Tuy nhiên, trái ngược với sự thành công của trang rèn luyện thể chất này, nhiều phụ huynh tại Anh phàn nàn về việc một số trang web học tập trực tuyến theo chỉ dẫn của nhà trường gây tình trạng quá tải trong học tập cho học sinh.
Lo ngại dịch COVID-19, Canada và Australia sẽ rút khỏi Thế vận hội
Đài NBC News đưa tin, ngày 22/3, Ủy ban Olympic và Paralympic Canada tuyên bố họ đang khẩn trương kêu gọi các đơn vị tổ chức Thế vận hội mùa hè hoãn sự kiện này đến năm 2021.
Ủy ban này nhấn mạnh: "Đây không chỉ là về sức khỏe vận động viên mà nó còn liên quan đến sức khỏe của cả cộng đồng”.
Tương tự, Ủy ban Olympic Australia cho biết đoàn thể thao của quốc gia này sẽ không thể tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu.
Một người đeo khẩu trang trong thời dịch COVID-19 vào ngày 23/3/2020 đi qua một màn hình đếm ngược những ngày chuẩn bị tới Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS / Issei Kato |
Theo dự kiến, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24/7 - 9/8, với sự tham dự của khoảng 11.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, nhiều quốc gia đang kêu gọi Ban tổ chức Tokyo 2020 hoãn lại Thế vận hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lan nhanh trên toàn thế giới.
Trong ngày 22/3, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết họ vẫn đang đánh giá liệu Thế vận hội mùa hè, dự kiến khai mạc vào ngày 24/7 tại Tokyo (Nhật Bản), có diễn ra như kế hoạch hay không.
Congo áp dụng lệnh phong tỏa 48 giờ đối với khu vực giàu đồng và coban
“Congo đã áp dụng lệnh phong tỏa 2 ngày tại tỉnh Haut-Katanga, một khu vực giàu đồng và coban, sau khi nước này xác nhận 2 ca dương tính với COVID-19”, thống đốc tỉnh Haut-Katanga Jacques Kyabula Katwe thông báo.
Vào cuối ngày 22/3, ông Jacques Kyabula Katwe cho biết ranh giới của tỉnh này, nơi có thủ đô là trung tâm khai thác của Lubumbashi, cũng sẽ bị đóng cửa.
Theo ông Jacques Kyabula Katwe, từ ngày 23/3, chỉ có quân đội, cảnh sát, nhân viên y tế và công chức được ủy quyền được phép đi trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh này cũng yêu cầu các phương tiện như: xe tải, xe đạp và xà lan dừng hoạt động.
Congo đang tìm cách xác định 75 người đã đi máy bay từ thủ đô Kinshasa của nước này đến Lubumbashi vào ngày 22/3, bởi 2 ca nhiễm nói trên chính là hai hành khách trên chuyến bay có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hai ca nhiễm này nâng tổng số người mắc lên tới 30 người tại Cộng hòa Dân chủ Congo, với 2 trường hợp tử vong.
Trong một video được đăng trên Twitter, Thống đốc Jacques Kyabula Katwe cho biết: “Chúng tôi yêu cầu họ ở nhà và liên hệ với các cơ quan y tế”.
Cộng hòa Dân chủ Congo sản xuất khoảng 60% lượng coban thế giới, một thành phần trong pin xe điện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 đã được báo cáo trên khắp châu Phi.
Có nhiều mối lo ngại rằng các nước châu Phi sẽ gặp nhiều khó khăn khi số lượng các ca nhiễm tăng đột biến mà không có hạ tầng cơ sở y tế đầy đủ.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 16 giờ ngày 23/3/2020, thế giới có 341.632 người mắc, 14.749 người tử vong vì COVID-19. Trong đó, Ý xác nhận 59.138 ca nhiễm và 5.476 người tử vong; Mỹ có 35.070 ca mắc và 458 người tử vong; 191 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc ghi nhận 260.539 ca nhiễm và 11.479 ca tử vong.
Tại Việt Nam, đã có 122 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1); 1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).