Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 16/3: Các ca nhiễm tại châu Âu tăng cao, EU hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế

Mai Đan| 16/03/2020 20:28

(TN&MT) - Như Ý đã thông tin trong ngày 15/3, số ca tử vong cao nhất trong một ngày là 368 và Pháp đã tăng mạnh hơn 900 ca nhiễm COVID-19 mới cũng chỉ trong một ngày.

Trong bối cảnh các ca nhiễm và tử vong ở các nước châu Âu tăng cao, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch hạn chế xuất khẩu thiết bị bảo vệ y tế và đảm bảo nguồn cung trong khối.

“Hàng hóa y tế bao gồm khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ chỉ có thể được bán cho các quốc gia ngoài EU với sự ủy quyền rõ ràng của chính quyền EU. Chúng tôi cần giữ cho EU các thiết bị bảo vệ mà chúng tôi cần”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết.

Số ca nhiễm tiếp tục tăng cao tại châu Âu

Tính đến rạng sáng 16/3 (giờ Việt Nam), tại Ý, tổng cộng đã có 24.747 ca nhiễm COVID-19 và 1.809 người tử vong.

Pháp đã xác nhận tổng cộng 5.423 trường hợp nhiễm COVID-19 và 127 ca tử vong. Chỉ riêng ngày 15/3, nước này có thêm 36 người chết. Pháp hiện đang ở mức khẩn cấp cao nhất trong kế hoạch ứng phó với dịch bệnh.

Hà Lan xác nhận 176 trường hợp nhiễm mới và 8 ca tử vong mới trong ngày 15/3, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.135 và 20.

Theo Tân Hoa Xã, cập nhật lúc 16h24 chiều 16/3 (giờ địa phương), Bỉ thông báo nước này có 197 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 886 tính đến hết ngày 15/3.

Một người đi bộ ngang qua một nhà hát đã đóng cửa ở New York, Mỹ vào ngày 15/3/2020. Ảnh: Michael Nagle / Tân Hoa Xã

Hy Lạp ghi nhận 103 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 331; Phần Lan có ​​30 người mới nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 241. Slovenia hiện có 219 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19; Síp: 33 ca; Malta: 21. Hungary xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên vào ngày 15/3, khi tổng số ca nhiễm tại nước này ở mức 32.

Tại Ireland, có 40 ca nhiễm mới, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi nước này thông báo ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 29/2. Chính phủ Ireland kêu gọi đóng cửa tất cả các quán rượu và quán bar trên khắp Ireland khi tổng số ca nhiễm lên đến 169.

Nhiều nước đóng cửa trường học để phòng, chống COVID-19

Châu Mỹ Latinh cũng đã thắt chặt các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Chile đã đóng cửa các lớp học ở cấp tiểu học, trung học và đại học ở Santiago và 20 thành phố khác.

Tổng thống Argentina, ông Alberto Fernandez tuyên bố đất nước sẽ đóng cửa các lớp học và biên giới trong 15 ngày.

Tại Mexico, các cơ quan giáo dục tuyên bố sẽ kéo dài kỳ nghỉ Tuần Thánh từ 2 tuần thành 4 tuần. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc khoảng 250.000 trường công và trường đại học sẽ đóng cửa từ ngày 20/3 – 17/4.

Hành khách xếp hàng để vào ga tàu điện ngầm theo đợt tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc vào ngày 16/3/2020. Ảnh: Chen Zhonghao / Tân Hoa Xã

Tổng thống Peru Martin Vizcarra trong ngày 15/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu đóng cửa biên giới và mọi người ở trong nhà. Cùng ngày, Honduras cũng thông báo đóng cửa biên giới một phút trước nửa đêm và yêu cầu các doanh nghiệp trong nước dừng hoạt động.

Ngày 15/3, Ủy ban chống Khủng hoảng Iraq, đứng đầu là Bộ trưởng Y tế Iraq Jaafar Sadiq Allawi đã quyết định áp dụng lệnh giới nghiêm kéo dài một tuần tại Baghdad, thủ đô của nước này từ ngày 17-23/3. Ủy ban cũng ủy quyền cho các thống đốc tỉnh áp dụng lệnh giới nghiêm ở các tỉnh của họ.

Ngày 16/3, Lãnh thổ Thủ đô Australia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 đang diễn ra. Trước đó, nước này đã áp dụng các biện pháp tương tự ở phía Nam Australia vào cuối tuần qua, với nhiều bang và vùng lãnh thổ trong nước làm theo.

Kiểm soát biên giới

Các ca nhiễm COVID-19 đã vượt qua biên giới và lây nhiễm thêm hàng ngàn người ở các nước EU, buộc nhiều quốc gia ở châu lục này phải dùng đến biện pháp kiểm soát biên giới.

Ngày 15/3, Đức tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Luxembourg từ sáng 16/3 nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Kiểm soát biên giới tạm thời sẽ có hiệu lực vào 8 giờ sáng 16/3, ngoại trừ lưu lượng hàng hóa và hành khách đi làm. Khách du lịch nếu không có lý do hợp lệ sẽ không được phép đến và đi từ Đức.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa tuyên bố trong ngày 15/3 rằng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ hạn chế di chuyển cả hàng hóa và con người giữa biên giới của họ.

Mọi người đi ngang qua một cửa hàng Barca đã đóng cửa ở Barcelona, Tây Ban Nha vào ngày 14/3/2020. Ảnh: Zhou Zhe / Tân Hoa Xã

Bồ Đào Nha xác nhận 245 trường hợp nhiễm COVID-19 vào ngày 15/3, trong khi số ca mắc mới ở Tây Ban Nha là 1.407, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 7.798.

Cùng ngày, chính phủ Moldova cho biết sẽ đóng cửa đường hàng không và đường bộ kết nối với nước ngoài từ ngày 17/3. Cả nước đã có 12 ca nhiễm.

Một nhân viên phun thuốc khử trùng tại quảng trường ở trung tâm Athens, Hy Lạp vào ngày 15/3/2020. Ảnh: Marios Lolos/Tân Hoa Xã 

Hy Lạp cũng đình chỉ tất cả các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không với Albania và Bắc Macedonia ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa và nhập cảnh của các công dân Hy Lạp hoặc những người cư trú ở Hy Lạp.

Serbia cho biết người nước ngoài sẽ không được phép vào Serbia, trong khi tất cả những người trở về nước sẽ bị cách ly bất kể họ đến từ đâu. "Những trường hợp duy nhất được phép vào nước là các bác sĩ Trung Quốc - những người đến Serbia để hỗ trợ điều trị bệnh nhân trong những ngày tới”, Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic nói.

Trong thông điệp vào ngày 15/3, bà von der Leyen cũng kêu gọi các quốc gia thành viên EU mở cửa biên giới để có thể vận chuyển các trang thiết bị y tế cũng như đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các nước chống COVID-19 trong Thị trường Đơn nhất của EU.

EU sẽ triển khai kế hoạch mua sắm cộng đồng chung với các quốc gia thành viên để thử nghiệm bộ dụng cụ và máy thở vào ngày 16/3, đồng thời công bố hướng dẫn cho chính phủ các nước thành viên về các biện pháp biên giới.

Theo Tổng hợp từ Reuters & Tân Hoa Xã
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 16/3: Các ca nhiễm tại châu Âu tăng cao, EU hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO