Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 7/5: WHO cảnh báo chấm dứt lệnh phong tỏa vội vã, số ca nhiễm tăng cao ở châu Phi

Mai Đan| 07/05/2020 08:46

(TN&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/5 đã cảnh báo việc các quốc gia đang dỡ bỏ lệnh phong tỏa phải tiến hành hết sức cẩn thận, nếu không sẽ có nguy cơ gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm mới.

WHO cảnh báo việc chấm dứt lệnh phong tỏa vội vã

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các quốc gia cần đảm bảo họ có các biện pháp thích hợp để kiểm soát sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 như hệ thống theo dõi và cung cấp dịch vụ cách ly.

Phát biểu trong một cuộc họp tại Geneva, Thụy Sĩ, ông Tedros cho biết: “Nguy cơ quay trở lại lệnh phong tỏa vẫn rất thực tế nếu các quốc gia không quản lý quá trình chuyển đổi một cách cẩn thận và tiếp cận theo từng giai đoạn”.

Chuyên gia dịch tễ học của WHO, bà Maria Van Kerkhove ủng hộ những lo ngại của ông Tedros về căn bệnh COVID-19.

“Nếu các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ quá nhanh, virus có thể quay trở lại”, bà Van Kerkhove cho biết.

Việc phong tỏa theo lệnh của chính phủ ngày càng trở nên không phổ biến khi các quốc gia phải chịu cảnh thất nghiệp gia tăng và hoạt động kinh tế bị đình trệ.

GDP của khu vực eurozone có thể giảm tới 7,7% trong năm 2020 vì đại dịch, trong khi các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ đã cho 20,2 triệu lao động nghỉ việc vào tháng trước khi doanh nghiệp đóng cửa.

Một số quốc gia, như Đức, Tây Ban Nha và Ý đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết quan điểm của ông là mở cửa đất nước theo từng giai đoạn để phát triển kinh tế.

Các nhà chức trách về bóng đá cũng đã bắt đầu xem xét giải pháp để họ có thể cứu vãn các cuộc thi bị gián đoạn, với việc Bundesliga của Đức có thể trở lại vào cuối tháng này.

Liên hợp quốc: Đại dịch COVID-10 đang đẩy giá thuốc bất hợp pháp lên cao

Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết ngày 7/5 cho biết: “Các biện pháp kiểm soát biên giới, phong tỏa và thiếu chuyến bay trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đang khiến các loại thuốc bất hợp pháp trở nên đắt đỏ và khó tìm kiếm hơn trên khắp thế giới”.

“Đại dịch COVID-19 đang có tác động hỗn hợp đến sản xuất thuốc ở các khu vực khác nhau và buôn lậu bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển, nhưng xu hướng chung ở các quốc gia nơi thuốc được tiêu thụ dường như tương đối đồng nhất”, UNODC cho biết trong báo cáo về COVID-19.

“Nhiều quốc gia trên tất cả các khu vực đã thông báo sự thiếu hụt tổng thể của nhiều loại thuốc ở cấp độ bán lẻ, cũng như tăng giá, giảm độ tinh khiết và do đó người sử dụng thuốc đã chuyển đổi chất (ví dụ, từ heroin sang opioid tổng hợp) và ngày càng tiếp cận với việc điều trị bằng thuốc”, báo cáo cho biết.

Người đàn ông Afghanistan làm việc trên một cánh đồng cây anh túc ở tỉnh Jalalabad vào ngày 17/4/2014. Ảnh: Reuters

Trong khi các loại thuốc phiện như heroin gần như được vận chuyển hoàn toàn bằng đường bộ, trong đó việc kiểm tra gia tăng có thể làm gián đoạn việc giao hàng, cocaine lại chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển. UNODC cho biết số vụ bắt giữ heroin ngày càng tăng gần đây ở Ấn Độ Dương có thể cho thấy sự gia tăng các lô hàng heroin đến châu Âu bằng đường biển.

Việc thiếu các chuyến bay hiện tại có thể sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc buôn lậu ma túy tổng hợp bao gồm methamphetamine đến các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

“Ở Afghanistan, nhà sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, vụ thu hoạch thuốc phiện từ tháng 3 đến tháng 6 có thể bị gián đoạn nếu người lao động không thể hoặc không muốn đi lại”, UNODC cho biết.

“Tại Bolivia, những thách thức gần đây liên quan đến sự lây lan của COVID-19, cùng với sự hỗn loạn chính trị vào cuối năm 2019, dường như đang hạn chế khả năng của chính quyền nhà nước trong việc kiểm soát việc trồng cây coca”, UNODC cho biết.

Châu Phi ghi nhận ca nhiễm mới gia tăng

Không chỉ Ai Cập và Nam Phi là 2 nước có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất châu Phi, nhiều quốc gia khác trong châu lục này như Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal... cũng công bố số ca nhiễm mới gia tăng đáng kể trong những ngày qua.

Trong đó, Algeria có thêm 159 ca nhiễm mới và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 4.997và 476 người. Tại Morocco, Bộ Y tế nước này công bố tổng cộng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này là 5.408, với 183 người tử vong, tăng thêm 189 trường hợp nhiễm và 2 người tử vong trong 24 giờ qua.

Thống kê cho thấy các quốc gia châu Phi có tổng số ca nhiễm COVID-19 cao nhất khu vực gồm có Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Guinea.…

Cập nhật lúc 6h ngày 7/5/2020:
*Thế giới: 3.743.654 người mắc; 258.846 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 1.237.633 người mắc; 72.271 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 250.561 người mắc; 25.613 người tử vong.
- Ý: 213.013 người mắc; 29.315 người tử vong.
- Anh: 194.990 người mắc; 29.427 người tử vong.
*Việt Nam: 271 trường hợp mắc COVID -19.
Đến 6h ngày 7/5, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 232 người đã được chữa khỏi. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
216 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 5/5) được chữa khỏi (giai đoạn 2)
Theo Tổng hợp từ Reuters & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 7/5: WHO cảnh báo chấm dứt lệnh phong tỏa vội vã, số ca nhiễm tăng cao ở châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO