Ý: Thêm 889 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 10.023
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết số người chết vì đại dịch COVID-19 tại Ý đã tăng thêm 889 người trong ngày 28/3, con số hàng ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Ý vào ngày 21/2.
Tổng số người thiệt mạng tại Ý đã lên tới 10.023, cao nhất thế giới.
Trước đó, tổng số người tử vong lớn nhất vì COVID-19 là 919 vào ngày 27/3. Trong khi đó, đã có 712 người chết vào ngày 26/3, 683 người vào ngày 25/3, 743 người vào ngày 24/3 và 602 người vào ngày 23/3.
Những người hộ tang bên quan tài đeo khẩu trang tại lễ tang của một người phụ nữ đã chết vì dịch bệnh COVID-19 tại Seriate, Ý vào ngày 28/3/2020. Ảnh: Reuters |
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Ý đã tăng đến 92.472 vào ngày 28/3 so với 86.498 ca của một ngày trước đó.
Cho đến nay, Ý có số ca nhiễm cao thứ hai, sau Mỹ và vượt qua số ca nhiễm của Trung Quốc trong ngày 27/3.
Tại Ý, trong số những người nhiễm bệnh ban đầu trên toàn quốc, 12.384 đã hồi phục hoàn toàn vào ngày 28/3, so với 10.950 người một ngày trước. Cùng ngày, có 3.856 người được chăm sóc đặc biệt so với 3.732 người trong ngày 27/3.
Anh: Nếu tuân thủ nghiêm lệnh phong tỏa, tổng số ca nhiễm có thể dưới 20.000
“Vương quốc Anh sẽ làm tốt nếu có thể kiểm soát số ca nhiễm vì COVID-19 dưới 20.000 người”, một quan chức y tế cấp cao cho biết vào ngày 28/3 sau ngày nguy hiểm nhất, với số người tử vong đã tăng lên hơn 1.000.
Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cảnh báo công chúng không được tự mãn và cho rằng mọi người phải đóng vai trò nỗ lực trong việc cản trở sự lây lan của virus.
Số trường hợp nhiễm ở mức 17.089 vào sáng 28/3. Số người chết tăng 260 trong một ngày lên 1.019, con số cao thứ 7 trên thế giới sau Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Iran, Pháp và Mỹ.
Khi được hỏi liệu Anh có cùng “quỹ đạo” với Ý hay không, nơi mà số người chết đã vượt qua 9.000, Powis cho rằng nếu công chúng tuân thủ nghiêm ngặt lệnh phong tỏa toàn quốc, tổng số ca nhiễm có thể dưới 20.000.
Phụ nữ đeo khẩu trang khi đi bộ trên phố Clapham trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan tại London, Anh vào ngày 28/3/2020. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một cường quốc công bố kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 27/3. Ông đã tự cách ly ở phố Downing nhưng vẫn tiếp tục lãnh đạo chính phủ ứng phó dịch bệnh thông qua hình thức họp trực tuyến.
Nước Anh đang chuẩn bị với tình hình dịch bệnh lên đến đỉnh điểm trong những tuần tới và đang xây dựng các bệnh viện dã chiến ở London, Birmingham, Manchester và Cardiff để củng cố NHS.
Những nhân viên y tế tuyến đầu ở xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đã được xét nghiệm.
Pháp: Số ca tử vong tiếp tục leo thang
Cơ quan y tế Pháp đã xác nhận 319 trường hợp tử vong mới do COVID-19 vào ngày 28/3, tăng 16% so với ngày hôm trước và nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên tới 2.314 trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực tăng số giường bệnh đặc biệt trên toàn quốc.
Người phụ nữ đeo khẩu trang ngồi trên con đường vắng vẻ ở Nice khi Pháp tiến hành lệnh phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan của COVID-19 tại quốc gia này vào ngày 28/3/2020. Ảnh: Reuters |
Pháp chỉ thống kê số ca tử vong hàng ngày trong bệnh viện, tuy nhiên chính phủ cho biết sẽ tổng hợp cả số người chết tại các viện dưỡng lão từ tuần tới, điều này có khả năng dẫn đến sự gia tăng lớn về số người tử vong vì COVID-19 tại Pháp.
Theo cơ quan y tế Pháp, số ca nhiễm COVID-19 tại Pháp đã tăng lên 37.575 vào ngày 28/3 từ 32.964 ca tính đến một ngày trước đó.
Thụy Sĩ: 235 ca tử vong, hơn 13.000 ca nhiễm
Ngày 28/3, Bộ Y tế Thụy Sĩ cho biết số người chết ở Thụy Sĩ do COVID-19 đã tăng lên con số 235 trong khi tổng số ca nhiễm ở mức 13.213, tuy nhiên giới chức trách nước này cho biết nỗi sợ hãi tồi tệ nhất cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Số người tử vong đã tăng từ 197 vào ngày 27/3, với số ca nhiễm cùng ngày là 12.161.
Thụy Sĩ đang triển khai các đơn vị quân y tại các bệnh viện để giúp đỡ các khu vực như Ticino, nơi giáp biên giới với Ý và đã bắt đầu khai thác kho dược phẩm chiến lược để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Người dân được khuyến khích ở nhà, trong khi nước này cấm các cuộc tụ họp hơn 5 người.
Các nhân viên phòng vệ dân sự đeo khẩu trang kiểm tra giấy tờ của tài xế trước khi người này vào trung tâm kiểm tra lái xe tại Luzern, Thụy Sĩ vào ngày 27/3/2020. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bern, thủ đô của Thụy Sĩ, ông Daniel Koch, người đứng đầu Cơ quan chuyên trách bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Thụy Sĩ cho biết hiện có 280 người đang được chăm sóc đặc biệt. Đất nước này có hơn 1.000 máy thở, bao gồm cả những máy được quân đội Thụy Sĩ triển khai tại các cơ sở y tế thay đổi được thành lập để điều trị các ca nhiễm.
New Zealand đã xác nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 trong khi số ca nhiễm tăng thêm 63 người trong ngày 28/3, nâng tổng số ca nhiễm lên 514. Theo Tổng giám đốc cơ quan y tế thuộc Bộ Y tế New Zealand, ông Ashley Bloomfield, ca tử vong đầu tiên là một cụ bà 70 tuổi được chuẩn đoán mắc bệnh cúm trước đó.
Ngày 29/3, tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison cho biết tốc độ xuất hiện các ca nhiễm mới tại nước này đang giảm xuống, chứng minh hiệu quả của các biện pháp giới hạn khoảng cách tiếp xúc xã hội.
“Cùng thời gian này vào tuần trước, tỉ lệ tăng thêm ca nhiễm ở khoảng 25-30%/ngày. Sau 5 ngày, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 13-15%. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng tỉ lệ ca nhiễm mới tăng cao”, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 1.704 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.402, trong khi số người chết vì COVID-19 hiện đã lên tới 108, tăng 16 ca trong ngày 28/3.
Hi Lạp thông báo 95 ca nhiễm mới và thêm 4 ca tử vong trong ngày 28/3, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.061 và 32.
Ireland xác nhận thêm 14 ca tử vong trong ngày 28/3, nâng tổng số người chết lên 36; số ca nhiễm tại quốc gia này tăng thêm 294 thành 2.415 ca.
Tại lục địa Trung Quốc, trong ngày 28/3, đã có thêm 45 ca nhiễm, thấp hơn so với 54 ca của 1 ngày trước đó. Ngày 29/3, Cơ quan y tế Trung Quốc cho biết chỉ có một ca trong số các trường hợp nhiễm mới không phải du khách nước ngoài.
Tổng thống Trump: Không cần áp dụng lệnh cách ly tại New York
Ngày 28/3 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không áp dụng lệnh cách ly đối với bang New York để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó, Mỹ đã yêu cầu các quan chức y tế liên bang đưa ra các khuyến cáo đi lại mạnh mẽ.
“Việc cách ly bang New York là không cần thiết. Toàn bộ chi tiết sẽ do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố tối nay”, ông Trump viết trên Twitter.
Tại Panama, Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 115 ca nhiễm mới vì COVID-19, nâng tổng số ca tại nước này lên 901 ca nhiễm và 17 trưởng hợp tử vong.
Cập nhật lúc 6h30 ngày 29/3/2020:
Thế giới: 667.413 người mắc, 30.840 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 123.311 người mắc; 2.207 người tử vong.
- Trung Quốc: 81.394 người mắc; 3.295 người tử vong.
- Ý: 92.472 người mắc; 10.023 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 73.235 người mắc; 5.982 người tử vong.
Việt Nam: 179 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
5 bệnh nhân (BN18, BN22, BN23, BN 35, BN33) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 28/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).