Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 2/4: Số ca nhiễm và tử vong tăng cao, WHO giảm nợ cho các nước nghèo nhất

Mai Đan| 02/04/2020 09:08

(TN&MT) - Ngày 1/4, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang nhanh chóng và lây lan toàn cầu của số ca nhiễm COVID-19.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, WHO, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hỗ trợ giảm nợ để giúp các nước đang phát triển đối phó với hậu quả kinh tế và xã hội do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ, ông Tedros cho biết trong 5 tuần qua, đã có sự gia tăng theo cấp số nhân về số lượng các trường hợp nhiễm mới và số ca tử vong đã tăng hơn gấp đôi trong tuần qua.

Ông dự đoán, trong vài ngày tới, số ca nhiễm sẽ đạt một triệu người và 50.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2019 đã xác nhận số ca nhiễm mới đang giảm dần vào ngày 1/4 và lần đầu tiên có số ca nhiễm không xuất hiện triệu chứng, có thể làm phức tạp tình hình dịch bệnh tại nước này.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom tán thành kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 22,6 tỷ USD của Ấn Độ

Ông Tedros tán thành kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 22,6 tỷ USD của Ấn Độ - được công bố sau lệnh phong tỏa 21 ngày của nước này vào tuần trước - để cung cấp suất ăn miễn phí cho 800 triệu người có hoàn cảnh khó khăn, chuyển tiền mặt cho 204 triệu phụ nữ nghèo và nấu ăn miễn phí cho 80 triệu hộ gia đình trong 3 tháng tới.

“Nhiều nước đang phát triển sẽ đấu tranh để thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội có tính chất này”, người đứng đầu WHO nói thêm.

“Đối với những quốc gia này, giảm nợ là điều cần thiết để cho phép họ chăm sóc người dân của họ và tránh sụp đổ kinh tế. Đây là lời kêu gọi từ WHO, WB và IMF – nhằm giảm nợ cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, quá trình giảm nợ sẽ kéo dài”, ông Tedros nhấn mạnh.

Theo ông Tedros, những gì chúng tôi đang đề xuất với WB và IMF là một quá trình hỗ trợ nhanh chóng các nước để nền kinh tế cũng như cộng đồng của họ không gặp khủng hoảng.

Ý: Tỷ lệ tử vong chậm lại nhưng số ca nhiễm tăng cao

Các nhà chức trách cho biết số người chết hàng ngày vì COVID-19 trong ngày 1/4 là thấp nhất trong 6 ngày, nhưng tổng số ca nhiễm mới đã tăng lên và chính phủ đã gia hạn lệnh phong tỏa cho đến ít nhất giữa tháng 4.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết 727 người đã chết trong 24 giờ qua, giảm so với 837 ca của ngày hôm trước, đưa tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 13.155 người.

Ý chiếm khoảng 30% tổng số ca tử vong toàn cầu do COVID-19 nhưng hai nghiên cứu mới cho thấy số người chết thực sự có thể cao hơn đáng kể.

Các ca nhiễm mới đã tăng gần 4.800 vào ngày 1/4, tăng đột biến so với hai ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên hơn 110.500.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chờ bên ngoài một đơn vị hậu cần di động trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục lan rộng tại Rome, Ý vào ngày 1/4/2020. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 1/4, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết: “Nếu chúng ta dừng thực hiện và quyết định nới lỏng các quy tắc, tất cả sự hy sinh sẽ là vô ích”.

Ông Giuseppe Conte cho hay, chính phủ sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp chỉ khi có sự chấp thuận của các cố vấn khoa học, nhưng ông không đưa ra một ngày chính xác.

Tại khu vực phía Bắc vùng Bologna, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, số lượng ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng 50% so với ngày trước, đảo ngược xu hướng giảm gần đây.

Số người chết hàng ngày trong khu vực cũng tăng lên, và một nghiên cứu cho thấy số người tử vong cao hơn nhiều so với con số được thông báo.

Mỹ: New York kêu gọi người dân ở nhà, giường chăm sóc đặc biệt ở California sắp hết

Thống đốc New York ngày 1/4 đã kiểm soát chặt chẽ hơn các cuộc tụ họp công cộng khi dịch COVID-19 bùng phát, kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm lệnh ở trong nhà. Trong khi đó, thống đốc bang California cảnh báo bang này có thể hết giường chăm sóc và máy thở vào tháng tới.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo yêu cầu cảnh sát thành phố này thực thi mạnh mẽ hơn các quy tắc cách ly xã hội khi số ca tử vong tại bang này lên tới gần 2.000.

Một nhân viên chăm sóc sức khỏe đi bên ngoài bệnh viện dã chiến mới được xây dựng ở khu East Meadow của Central Park trong khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở quận Manhattan của thành phố New York, Mỹ vào ngày 1/4/2020. Ảnh: Reuters

Ông Andrew Cuomo tỏ ra không hài lòng khi nghe báo cáo về việc đám đông tụ tập tại một bến tàu Manhattan để xem tàu bệnh viện Comfort của Hải quân Mỹ khi tàu tới New York.

Theo thống kê của Reuters, tính đến chiều 1/4, hơn 4.700 người đã tử vong vì Covid-19 trên khắp nước Mỹ.

Các chuyên gia y tế của Nhà Trắng dự báo ngay cả khi người Mỹ tuân thủ nghiêm ngặt lệnh không ra khỏi nhà, khoảng 100.000 đến 240.000 người có thể chết vì COVID-19.

Khách sạn như bệnh viện

Đã có 38 bang và Quận Columbia yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trừ khi cần thiết, yêu cầu này áp dụng cho khoảng 260 triệu người, tương đương 80% dân số Mỹ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết thành phố đang ký hợp đồng với các khách sạn như một phần của nỗ lực lớn để bố trí thêm 65.000 giường bệnh vào cuối tháng này.

De Blasio cho biết thành phố đã sắp xếp thêm 10.000 giường tại 20 khách sạn, nơi đã mất hầu hết khách do lệnh hạn chế đi lại trong thành phố.

Trong khi New York vẫn là trung tâm của đại dịch, các bang trên cả nước đã ghi nhận số ca nhiễm gia tăng, bao gồm California, Michigan, Florida và New Jersey.

Ngay cả khi lệnh ở nhà được chấp hành nghiêm ngặt, làm chậm sự bùng phát dịch ở California và tàu bệnh viện 1000 giường USNS Mercy của Hải quân Mỹ đã đậu ở Los Angeles, Thống đốc bang California Gavin Newsom cảnh báo bang này sẽ hết giường bệnh chăm sóc đặc biệt được trang bị máy thở trong vòng 6 tuần.

Pháp: Hơn 4.000 người tử vong vì COVID-19

Pháp đã trở thành quốc gia thứ tư vượt qua ngưỡng 4.000 người tử vong vì COVID-19 tính đến ngày 1/4, sau Ý, Tây Ban Nha và Mỹ. Chính phủ nước này đang nỗ lực đáp ứng đủ số giường bệnh được trang bị máy thở.

Cơ quan y tế Pháp xác nhận 509 trường hợp tử vong mới vì COVID-19 trong ngày 1/4, nâng tổng số ca tử vong lên tới 4.032 người. Tuy nhiên, sau khi tăng tốc hai ngày trước đó, số ca tử vong đã giảm ở Pháp trong bối cảnh nước này đang trong tuần thứ ba áp dụng lệnh phon tỏa để cố gắng làm chậm sự lây lan của virus.

Pháp đã ra lệnh cho người dân ở trong nhà của họ ngoại trừ việc đi lại thiết yếu từ ngày 17/3 cho đến ít nhất là ngày 15/4.

Chính phủ Pháp hàng ngày vẫn chỉ thống kê những người chết trong bệnh viện nhưng cho biết sẽ sớm có thể tổng hợp dữ liệu về những trường hợp tử vong trong nhà an dưỡng của người nghỉ hưu, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng lớn về số người tử vong.

Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 trên tàu cao tốc TGV tại nhà ga Gare d'Austerlitz vào ngày 1/4/2020 tại Pháp

Tổng cục trưởng Y tế Pháp, bác sĩ Jérôme Salomon cho biết tính đến hết ngày 1/4, số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 56.989, tăng 9%, so với mức tăng 17% một ngày trước đó.

Cũng trong ngày 1/4, Salomon cho biết 6.017 người đang trong tình trạng nghiêm trọng cần hỗ trợ cuộc sống, tăng 8% so với ngày 31/3.

Pháp đã tăng số giường trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt từ 5.000 lên khoảng 10.000 kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng và đang đặt mục tiêu đạt được 14.500 giường bệnh càng sớm càng tốt.

Theo Reuters, với 13.155 ca tử vong cho đến nay, Ý chiếm gần 30% tổng số tử vong toàn cầu. Tây Ban Nha có 9.053 người chết và tương tự như Pháp, Mỹ vừa vượt qua mốc hơn 4.000 người tử vong.

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại 4 quốc gia trên hiện chiếm khoảng hai phần ba tổng số người chết - hiện ở mức hơn 45.000 trên toàn thế giới.

Theo thống kê tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam cập nhật lúc 7h22 sáng 2/4, trên toàn thế giới đã có 934.262 ca nhiễm, 46.924 ca tử vong và 193.891 người bình phục.

Tính đến 6h ngày 2/4, Việt Nam xác nhận 222 ca nhiễm, trong đó, tổng số ca bình phục là 63.

Cụ thể, 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 

47 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 1/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN25, BN27, BN29, BN22, BN33, BN35, BN39, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN64, BN66, BN67, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187.

Theo Tổng hợp từ Reuters, Tân Hoa Xã & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 2/4: Số ca nhiễm và tử vong tăng cao, WHO giảm nợ cho các nước nghèo nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO