Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 12/4: 91 bệnh nhân Hàn Quốc dương tính trở lại sau khi hồi phục

Mai Đan| 12/04/2020 09:05

(TN&MT) - Theo Bộ Y tế Việt Nam, trên thế giới hiện có hơn 1,7 triệu ca nhiễm và hơn 108.000 người tử vong vì COVID-19. Tại Hàn Quốc, 91 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi đã hồi phục. Trong khi đó, Anh cam kết viện trợ 200 triệu bảng để ngăn chặn “làn sóng” virus corona thứ hai.

WHO xem xét báo cáo một số bệnh nhân dương tính trở lại sau khi hồi phục

Ngày 11/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tổ chức này đang xem xét các báo cáo về một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục nhưng có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại.

Trước đó, ngày 10/4, các quan chức Hàn Quốc xác nhận 91 ca bệnh COVID-19 bị phát hiện dương tính với virus corona chủng mới dù mới được chữa khỏi. Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho rằng nguyên nhân có thể là do virus hoạt động trở lại chứ không phải do bệnh nhân bị tái nhiễm.

WHO cho biết: “Chúng tôi biết các báo cáo này của các ca có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng cách sử dụng xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) và một vài ngày sau có kết quả dương tính trở lại”.

“Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với các chuyên gia lâm sàng và nỗ lực làm việc để có thêm thông tin về những trường hợp riêng lẻ đó. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng khi các mẫu được thu thập để xét nghiệm trên các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm, phải tuân thủ đúng quy trình”, WHO cho biết thêm.

Theo WHO, dựa trên các nghiên cứu hiện tại, sẽ mất khoảng hai tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi phục hồi lâm sàng của bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 nhẹ.

“Chúng tôi biết rằng một số bệnh nhân có kết quả PCR dương tính sau khi họ phục hồi lâm sàng, nhưng chúng tôi cần thu thập mẫu một cách có hệ thống từ các bệnh nhân đã hồi phục để hiểu rõ hơn về việc họ đã loại bỏ virus sống trong bao lâu”, WHO cho biết thêm.

Ngày 10/4, các quan chức y tế Hàn Quốc cho biết vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra sau xu hướng các bệnh nhân COVID-19 hồi phục tái nhiễm trở lại, với các cuộc điều tra dịch tễ học vẫn đang được tiến hành.

Theo WHO, vì COVID-19 là một bệnh mới nên tổ chức này cần nhiều dữ liệu dịch tễ học hơn để đưa ra bất kỳ kết luận nào về khả năng phát tán vi rút.

Anh cam kết viện trợ 200 triệu bảng để ngăn chặn “làn sóng” virus corona thứ hai

Ngày 12/4, Anh cho biết quốc gia này đã cam kết viện trợ 200 triệu bảng (tương đương 248 triệu USD) cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức từ thiện để giúp làm chậm sự lây lan của virus corona ở các quốc gia dễ bị tổn thương và do đó giúp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Anne-Marie Trevelyan cho biết việc hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất hiện nay sẽ giúp ngăn chặn virus quay trở lại Vương quốc Anh.

Anh xác nhận gần 10.000 trường hợp tử vong do COVID-19, trở thành quốc gia có số người tử vong vì dịch bệnh này cao thứ 5 thế giới.

“Mặc dù các bác sĩ và y tá tài giỏi của chúng tôi chiến đấu với virus corona tại nước nhà, nhưng chúng tôi đã triển khai chuyên môn và tài trợ của Anh trên khắp thế giới để ngăn chặn làn sóng chết người thứ hai đến Vương quốc Anh”, Trevelyan cho biết.

“Virus corona không loại trừ biên giới quốc gia nên khả năng bảo vệ công chúng Anh của chúng ta sẽ chỉ hiệu quả nếu chúng ta củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước đang phát triển dễ bị tổn thương”, Trevelyan cho biết thêm.

Một người đạp xe đi qua bức tranh graffiti ám chỉ virus corona trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan tại London, Anh vào ngày 11/4/2020. Ảnh: Reuters

Chính phủ Anh cho biết sẽ chuyển 130 triệu bảng đến các cơ quan của Liên Hợp Quốc, với 65 triệu dành cho WHO. 50 triệu bảng khác sẽ được chuyển đến Hội Chữ thập đỏ để giúp các khu vực bị chiến tranh tàn phá và khó tiếp cận và 20 triệu bảng còn lại sẽ dành cho các tổ chức từ thiện khác.

Khoản viện trợ sẽ giúp ích rất nhiều cho các khu vực có hệ thống y tế yếu như Yemen – nơi bị tàn phá bởi chiến tranh, xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 10/4 và Bangladesh, nơi hiện có 850.000 người tị nạn Rohingya trong các trại đông đúc.

Sự ủng hộ của Anh đối với WHO trái ngược với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông chỉ trích WHO về “mọi khía cạnh” trong việc xử lý dịch COVID-19, “quá thiên vị Trung Quốc” và dọa ngưng rót nguồn tài chính cho tổ chức này.

“Sự đóng góp hào phóng của Vương quốc Anh là một tuyên bố mạnh mẽ rằng đây là một mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi phải có phản ứng toàn cầu”, ông Ted Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh.

“Nếu chúng ta cùng nhau nỗ lực, điều đó không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe trên toàn thế giới mà còn bảo vệ sức khỏe của người dân ở Vương quốc Anh”, ông Tedros khẳng định.

Tây Ban Nha đưa ra các hướng dẫn cho hoạt động trở lại khi tỷ lệ tử vong chậm

Ngày 11/4, chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra các hướng dẫn cho những người trở lại làm việc dưới sự nới lỏng lệnh phỏng, trong khi nước này xác nhận mức tăng thấp nhất trong một ngày về số ca tử vong do COVID-19 kể từ ngày 23/3.

Hầu hết người Tây Ban Nha được yêu cầu ở trong nhà của họ kể từ giữa tháng 3, chỉ có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiến lược quan trọng mới được phép hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, từ ngày 13/4, một số ngành công nghiệp khác như xây dựng và sản xuất sẽ được phép hoạt động trở lại, cho phép hàng ngàn người trở lại làm việc.

Một cậu bé thể hiện sự ủng hộ nhân viên y tế trước Bệnh viện Dos de Maig, trong khi dịch COVID-19 bùng phát, tại Barcelona, ​​Tây Ban Nha vào ngày 11/4/2020. Ảnh: Reuters

Theo hướng dẫn do văn phòng thủ tướng Tây Ban Nha công bố vào ngày 11/4, các công ty trở lại làm việc phải cung cấp thiết bị bảo vệ phù hợp và đảm bảo nhân viên giữ khoảng cách ít nhất 2 mét.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande – Marlaska cho biết lực lượng an ninh sẽ phân phát 10 triệu khẩu trang tại các trung tâm giao thông công cộng trong những ngày tới và nước này khuyến cáo chứ không bắt buộc người dân đeo khẩu trang.

Mỹ vượt mốc 20.000 người về số ca tử vong

Tính đến hết ngày 11/4, tại Mỹ đã có hơn 20.000 ca tử vong vì COVID-19, đưa Mỹ trở thành quốc gia có nhiều người chết nhất thế giới.

Theo thống kê của WorldOMeter, tính đến 5h30 sáng ngày 12/4 theo giờ Việt Nam, số người chết vì COVID-19 tại Mỹ đã tăng từ 18.747 lên 20.466. Trong khi đó, nước này xác nhận số ca nhiễm đã tăng từ 502.876 lên 529.343.

Reuters đưa tin, Mỹ đã xác nhận trong vòng 4 ngày qua, Mỹ có khoảng 2.000 ca tử vong mỗi ngày. Giới chức trách y tế cảnh báo số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ có thể lên đến 200.000 người vào mùa hè nếu người dân không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan.

Đội cứu hộ Pháp mặc đồ bảo hộ chuyển bệnh nhân COVID-19 lên cáng từ bệnh viện Mulhouse trước khi đưa bệnh nhân này lên trực thăng vào ngày 23/3/2020. Ảnh: Reuters

*Sau Mỹ, Ý là nước có số người chết vì COVID-19 cao thứ hai thế giới. Cụ thể, trong ngày 11/4, Ý ghi nhận thêm 619 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 19.468. Cùng ngày, số ca nhiễm tại nước này tăng thêm 4.694, nâng tông số ca nhiễm lên 152.271.

*Thổ Nhĩ Kỳ có thêm 5.138 ca nhiễm và 95 ca tử vong vì đại dịch, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt đến 52.167 và 1.101 tính đến hết ngày 11/4.

*Ngày 11/4, tại Pháp, Bộ Y tế nước này thông báo số người chết vì COVID-19 đã tăng từ 13.197 lên 13.832 so với ngày 10/4. Số ca nhiễm trong nước cũng tăng thêm 4.785 lên thành 129.654 ca.

* Nga công bố 13.584 ca nhiễm COVID-19 và 106 ca tử vong vì dịch bệnh.

*Ngày 11/4, tại Mexico, Bộ Y tế nước này xác nhận thêm 375 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 4.219, trong đó có 273 người tử vong. 

*Lục địa Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 đã tăng từ 81.953 lên 82.052 vào ngày 11/4, trong đó có 63 trường hợp không có triệu chứng. Số ca tử vong tại nước này hiện là 3.339 ca.

Cập nhật lúc 8h30 ngày 12/4/2020:

Thế giới: 1.779. 099 người mắc; 108.770 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 532.879 người mắc; 20.577người tử vong.

- Tây Ban Nha: 163.027 người mắc; 16.606 người tử vong.

- Ý: 152.271 người mắc; 19.468 người tử vong.

- Đức: 125.452 người mắc; 2.871 người tử vong.

Việt Nam: 258 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).

128 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 06/3 đến ngày 09/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN19, BN21, BN22, BN23, BN24, BN26, BN27, BN29, BN30, BN31, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN57, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64, BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN72, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN84, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN95, BN96, BN98, BN99, BN100, BN101, BN102, BN103, BN104, BN107, BN110, BN111, BN112, BN113, BN116, BN117, BN118, BN 119, BN120, BN121, BN122, BN123, BN125, BN126, BN129, BN130, BN131, BN132, BN136, BN137, BN138, BN140, BN142, BN150, BN152, BN153, BN154, BN159, BN160, BN179, BN187, BN192, BN197, BN198, BN200,BN203, BN222, BN234, BN237, BN249.

Theo Tổng hợp từ Reuters, Tân Hoa Xã & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 12/4: 91 bệnh nhân Hàn Quốc dương tính trở lại sau khi hồi phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO