Cập nhật nghiên cứu và giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí Hà Nội

Phạm Oanh| 28/07/2020 20:02

(TN&MT) - Chiều 28/7, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và Cộng đồng Mạng lưới không khí sạch Việt nam tổ chức Hội thảo cải thiện chất lượng không khí: Cập nhật nghiên cứu và giải pháp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Trong những năm qua , trước những thách thức về môi trường , thành phố Hà Nội đã có những đầu tư nhất định trong công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Tuấn Định phát biểu tại Hội thảo

Chất lượng môi trường của thành phố gần đây đã được cải thiện, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp và khu dân cư tập trung. Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường thành phố vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: việc triển khai các dự án đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân còn thấp; công nghệ sản xuất còn lạc hậu ...

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng hạ tầng trên khắp thành phố, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Chất lượng môi trường của thành phố đã có biểu hiện suy thoái nặng nề.

“Trong thời gian qua, đã có một số nhận định khác nhau về diễn biến không khí cho thành phố nhưng mang tính định tính và khách quan, chưa có lập luận toàn diện về khoa học, gây hoang mang cho các cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư”, ông Lê Tuấn Định, cho biết.

Theo đó, để có được những bằng chứng khoa học chính xác trong việc đánh giá hiện trạng, xác định các nguồn thải và những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến phát triển chung và sức khoẻ cộng đồng Thủ đô, Sở TN&MT phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các nghiên cứu khoa học làm cơ sở để xây dựng các chính sách, giải pháp tổng thể, hiệu quả cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu tổng quan về Hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới về quản lý chất lượng không khí. Theo đó, Hỗ trợ này nhằm chuyển giao công cụ chính sách quản lý chất lượng không khí dựa trên mô hình GAINS cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, bao gồm các tập huấn quan trọng cho đối tác nhằm xác định các chính sách hiệu quả về mặt chi phí và phù hợp nhất để đưa vào Kế hoạch quản lý chất lượng không khí.

Hiện nay, GAINS là mô hình nổi tiếng trên thế giới để hỗ trợ ra quyết định trong quản lý chất lượng không khí tại 48 quốc gia tại Châu Âu, một số quốc gia tại Châu Á như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… Tại đó, mô hình này giúp nhà nước xác định các chính sách hiệu quả về mặt chi phí và biện pháp kỹ thuật…

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định, qua một số khảo sát trong năm 2019 nhận thấy, nồng độ khối của bụi PM2.5 ở Hà Nội thấp nhất vào tháng 3, 4 và ít hơn vào tháng 8, 9 do điều kiện khí tượng như gió mùa và không có tình trạng đốt rơm rạ. Trong khi đó, vào tháng 12 nồng độ khối của bụi PM2.5 tăng cao, nguyên nhân có thể do tác động của sản xuất nông nghiệp trong đó có hoạt động đốt rơm, rạ, hoặc đốt sinh khối….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật nghiên cứu và giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO