Anh huy động lính cứu hỏa giao thực phẩm, thu gom thi thể
Vương quốc Anh sẽ huy động các nhân viên cứu hỏa để cung cấp thực phẩm, thu gom thi thể và lái xe cứu thương khi khi nước này đang đương đầu với cuộc chiến chống COVID-19 cướp đi sinh mạng của hơn 22.000 người trên khắp thế giới.
Anh ban đầu đã áp dụng cách tiếp cận “khiêm tốn” đáng kinh ngạc đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất kể từ dịch cúm năm 1918 nhưng sau đó nước này đã thay đổi để áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sau khi dự báo cho thấy một phần tư triệu người Anh có thể chết vì dịch COVID-19.
Thủ tướng Boris Johnson đã chỉ đạo đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 dây dịch bệnh COVID-19 lây lan. Theo đó, người dân Anh bị cấm ra khỏi nhà nếu không có lý do cần thiết.
Cho đến nay, tại Anh, đã có 578 ca tử vong do COVID-19 và 11.658 ca nhiễm. Anh trở thành nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 7 thế giới, sau Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Iran, Pháp và Mỹ.
Theo thoả thuận được ký giữa Liên đoàn cứu hoả (FBU) và Lực lượng cứu hoả và cứu hộ, lính cứu hoả bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cứu hoả và cứu hộ như bình thường, sẽ phải gánh vác thêm nhiệm vụ mới.
Ông Matt Wrack, Tổng thư ký FBU cho biết: “Chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng chưa từng xuất hiện trong cuộc đời. Dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra hiện nay đã trở thành tình huống khẩn cấp nhân đạo và lực lượng cứu hoả muốn hỗ trợ cộng đồng”.
“Nhiều người lo ngại số ca tử vong vì COVID-19 có thể sẽ tăng vọt và lính cứu hỏa, những người thường xử lý các tình huống và sự cố lớn, sẵn sàng bước vào cuộc chiến này để hỗ trợ công việc thu gom thi thể”, ông Wrack cho biết thêm.
Một xe tải chuỗi cung ứng của Dịch vụ y tế quốc gia Anh bên ngoài Trung tâm Excel, London trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan ở phía Đông London, Anh vào ngày 27/3/2020. Ảnh: Reuters |
Cụ thể, nhiệm vụ của lính cứu hỏa là chở thi thể trong trường hợp chết người hàng loạt, chở người đi cấp cứu, phân phát lương thực và thuốc men cho những người dễ bị tổn thương.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Anh đã đề nghị hàng chục nghìn bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ hưu quay lại làm việc. Ngoài ra, hàng trăm ngàn người đã tình nguyện hỗ trợ Dịch vụ y tế quốc gia Anh.
Ngày 27/3, dịch vụ cứu thương của London, Anh kêu gọi các nhân viên nghỉ hưu quay lại làm việc. Cảnh sát London đề nghị các sĩ quan đã nghỉ hưu trong 5 năm qua trở lại công việc.
Ông Cressida Dick, cảnh sát trưởng London nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta sẽ còn rất nặng nề trong những tuần tới. Tôi muốn mọi người hiểu rằng cảnh sát London luôn sẵn sàng hỗ trợ họ. Chúng ta phải tiếp tục hoạt động để cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể cho London”.
Tây Ban Nha: Gần 10.000 nhân viên y tế nhiễm bệnh
Ngày 27/3, Bộ Y tế Tây Ban Nha xác nhận ít nhất 9.444 nhân viên y tế ở nước này đã bị nhiễm COVID-19 trong quá trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Theo số liệu được công bố ngày 27/3, chỉ trong vòng 24 giờ qua Tây Ban Nha có thêm 769 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 4.858.
Số ca nhiễm mới tăng thêm 7.871 người, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 64.059. Hiện đã có 9.357 bệnh nhân xuất viện, khoảng 50.000 người đang điều trị, trong đó hơn 4.100 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Thụy Điển cấm các cuộc tụ họp công cộng với hơn 50 người
Ngày 27/3, chính phủ Thụy Điển cho biết, quốc gia này đã quyết định cấm tất cả các cuộc tụ họp công cộng với sự tham gia của hơn 50 người để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết: “Khả năng phục hồi của chúng tôi đang được thử nghiệm. Mục đích của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan một cách tối đa. Chính phủ đã quyết định cấm các cuộc tụ họp công cộng với hơn 50 người”.
Quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 29/3 và những người vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù 6 tháng. Chính phủ trước đây đã cấm tất cả các cuộc với sự tụ họp của hơn 500 người.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Hà Lan tăng 16%, 112 ca tử vong mới
Số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Hà Lan đã tăng 1.172, tương đương 16%, nâng tổng số người nhiễm lên 8.603.
Nước này ghi nhận 112 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 546.
Bảo tàng Van Gogh bị đóng cửa do sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Amsterdam, Hà Lan vào ngày 13/3/2020. Ảnh: Reuters |
Viện Y tế quốc gia Hà Lan (RIVM) cho biết sự gia tăng tốc độ lây lan của virus dường như đang chậm lại.
Thái Lan đóng cửa nhiều cơ sở công cộng khi số ca nhiễm tăng lên 1.100
Ngày 27/3, chính phủ Thái Lan đã ra lệnh đóng cửa nhiều cơ sở và doanh nghiệp công cộng hơn nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona, và kéo dài thời gian đóng cửa hiện tại cho đến cuối tháng 4.
Một quan chức y tế Thái Lan cho biết nước này xác nhận thêm 91 ca nhiễm và một ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 1.136 và 5. Cho đến nay, 97 bệnh nhân đã hồi phục và về nhà.
Ca tử vong mới nhất là một người đàn ông 50 tuổi ở tỉnh Narathiwat, giáp ranh với Malaysia, người có thể đã nhiễm COVID-19 khi tham dự một buổi họp mặt tại một nhà thờ Hồi giáo ở Kuala Lumpur vào tháng trước.
Ca tử vong này đã khiến thống đốc của tỉnh Narathiwat phải phong tỏa toàn tỉnh, ngăn chặn giao thông ra vào, ngoài trừ xe cứu thương, xe tải chở vật tư thiết yếu và xe thực hiện nhiệm vụ.
Trung tâm mới về Quản lý tình huống COVID-19 (CCSA) của Thái Lan tại Bangkok cho biết các thống đốc tỉnh ở quốc gia này hiện có quyền thực hiện các quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch.
Taweesin Wisanuyothin, phát ngôn viên của CCSA cho biết, tình huống này không phải là một tình huống bình thường, nó là một trường hợp khẩn cấp và mọi người có thể đi lại khó khăn, vì thế mọi người nên ở trong nhà.
Những chiếc ghế trống tại một bãi biển vốn tấp nập khách du lịch trước đây, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Pattaya, Thái Lan vào ngày 27/3/2020. Ảnh: Reuters |
Các nhà chức trách ở Bangkok, Thái Lan, thành phố có hầu hết các ca nhiễm, đã yêu cầu các cơ sở bao gồm thư viện, bảo tàng, sân chơi, sân thể thao, phòng họp, trung tâm chăm sóc trẻ em và bệnh viện thẩm mỹ dừng hoạt động cho đến ngày 30/4.
Chính phủ Thái Lan cũng đã mở rộng việc đóng cửa các trung tâm mua sắm, nhà hàng ăn uống và các doanh nghiệp khác đến ngày 30/4.
Các doanh nghiệp thiết yếu như siêu thị, cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc sẽ vẫn mở ở Bangkok, trong khi chính phủ đã mở lại các cửa hàng điện thoại, khu ăn uống trong bệnh viện và cửa hàng hoa ở các chợ trong thủ đô.
Một số tỉnh cũng đã ban hành lệnh hạn chế thời gian mở và đóng cửa của các cửa hàng tiện lợi 24 giờ để giảm thời gian mọi người ra ngoài ở những nơi công cộng.
Tỉ phú Mark Zuckerberg quyên góp 25 triệu USD để tìm thuốc điều trị COVID-19
Trong ngày 27/3, tỉ phú công nghệ Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook thông báo sẽ quyên góp 25 triệu USD cho công cuộc tìm thuốc điều trị COVID-19.
Ông Zuckerberg cho biết đang phối hợp với Quỹ Bill & Melinda Gates của tỉ phú Bill Gates cùng một số tổ chức khác đẩy nhanh việc đánh giá các loại thuốc có hiệu quả nhằm điều trị và ngăn chặn virus corona.
Cập nhật lúc 21h00 ngày 27/3/2020:
Thế giới: 549.305 người mắc, 24.871 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 85.749 người mắc; 1.304 người tử vong.
- Trung Quốc: 81.340 người mắc; 3.292 người tử vong
- Ý: 80.589 người mắc; 8.215 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 64.059 người mắc; 4.858 người tử vong
Việt Nam: 163 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 ) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
4 bệnh nhân (BN18, BN22, BN23, BN35) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 26/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).