Cập nhật dịch COVID-19 sáng 23/5: Nam Mỹ trở thành tâm dịch mới, Châu Phi có hơn 100.000 ca nhiễm

Mai Đan| 23/05/2020 08:39

(TN&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 22/5 cho biết Nam Mỹ đã trở thành một tâm dịch mới của đại dịch COVID-19 với Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, số ca nhiễm đang gia tăng ở một số nước châu Phi nhưng số người chết tương đối thấp cho đến nay.

“COVID-19 đã bớt căng thẳng ở châu Phi”

“Đại dịch COVID-19 hiện đã đạt được một mốc quan trọng ở châu Phi, với hơn 100.000 ca nhiễm. Virus gây bệnh này hiện đã lan sang mọi quốc gia trong lục địa kể từ khi ca bệnh đầu tiên được xác nhận ở khu vực này cách đây 14 tuần”, WHO tuyên bố và ghi nhận 3.100 ca tử vong tại lục địa rộng lớn này.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực của WHO tại châu Phi cho biết: “Hiện tại COVID-19 đã bớt căng thẳng ở châu Phi và lục địa này đã tránh được số lượng tử vong cao vốn tàn phá các khu vực khác của thế giới”.

“Tuy nhiên, chúng ta không được tự mãn với tình hình này vì hệ thống y tế của chúng ta rất mong manh và khả năng ứng phó hạn chế với sự gia tăng số ca nhiễm đột ngột” – bà Moeti nhấn mạnh.

WHO cho biết khoảng một nửa số quốc gia châu Phi đang trải qua sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng.

“9 quốc gia châu Phi đã tăng 50% trong số các trường hợp nhiễm bệnh trong tuần qua, trong khi những nước khác ghi nhận số ca nhiễm giảm hoặc có tỷ lệ thấp”, ông Ryan nói.

Theo ông Ryan, tỷ lệ tử vong thấp có thể là do một nửa dân số của châu Phi có độ tuổi từ 18 trở xuống, tuy nhiên ông Ryan vẫn lo lắng căn bệnh này sẽ lan rộng trên một lục địa với những “khoảng trống đáng kể” trong các dịch vụ chăm sóc đặc biệt, liệu pháp oxy và thông khí.

Nam Mỹ trở thành tâm dịch COVID-19 mới

Tình hình dịch COVID-19 ở Nam Mỹ đã nghiêm trọng hơn. Phát biểu trước một cuộc họp báo, Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia về các vấn đề khẩn cấp hàng đầu của WHO cho biết: “Nam Mỹ đã trở thành một tâm dịch mới của đại dịch COVID-19”.

Những người đào mộ mặc đồ bảo hộ chuẩn bị chôn cất quan tài của một người chết vì COVID-19 tại nghĩa trang Vila Formosa, Sao Paulo, Brazil vào ngày 22/5/2020. Ảnh: Reuters

Theo ông Ryan, Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và các nhà chức trách đã phê duyệt việc sử dụng rộng rãi thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị COVID-19.

Ông nhắc lại rằng bằng chứng lâm sàng không hỗ trợ cho việc sử dụng rộng rãi thuốc chống lại căn bệnh này, vì những rủi ro của nó.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ cấp hydroxychloroquine cho 1.300 bệnh nhân nhiễm COVID-19

Theo một tài liệu được công bố bởi một đảng Dân chủ tại Thượng viện ngày 22/5, Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) đã điều trị cho 1.300 bệnh nhân nhiễm COVID-19 bằng thuốc sốt rét hydroxychloroquine, một nghiên cứu đã gắn liền với nguy cơ tử vong gia tăng.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, người đã nhận được thông tin từ VA sau khi Bộ này trả lời các câu hỏi mà ông đã gửi về vấn đề này, cho biết ông đã gặp “rắc rối lớn” bởi dữ liệu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã hối thúc sử dụng hydroxychloroquine chống lại COVID-19 và gần đây ông Trump cho biết ông đã tự uống, mặc dù có bằng chứng cho thấy việc điều trị có thể gây hại.

Theo hãng tin Reuters, một nghiên cứu lớn công bố ngày 22/5 trên tạp chí y khoa danh tiếng Lancet cho thấy thuốc hydroxychloroquine làm tăng nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

Hồi tháng 4, các bác sĩ tại VA cũng cho biết hydroxychloroquine không giúp điều trị bệnh nhân COVID-19 và có thể gây nguy cơ tử vong cao hơn.

VA, nơi chăm sóc cho 9 triệu cựu chiến binh, cho biết khoảng 1.300 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã nhận được thuốc trong số hơn 10.000 bệnh nhân COVID-19 mà Bộ này điều trị. VA cũng đã phân phối hydroxychloroquine cho khoảng 7.500 bệnh nhân mắc các bệnh khác bao gồm viêm khớp dạng thấp và lupus.

VA cho biết sẽ tiếp tục phân phối thuốc theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.

Trả lời câu hỏi của Schumer, VA cho biết Bộ này không chịu áp lực khi sử dụng hydroxychloroquine bởi Nhà Trắng, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ hoặc bất kỳ cơ quan nào khác.

“VA, giống như rất nhiều cơ sở y tế trên khắp đất nước này, đang trong một cuộc đua để giúp cho bệnh nhân COVID-19 sống sót trong đại dịch và chúng tôi đang sử dụng nhiều phương pháp nhất có thể”, VA nói với Schumer.

Cập nhật lúc 6h ngày 23-5-2020:

*Thế giới: 5.209.860 người mắc; 334.878 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 1.621.196 người mắc; 96.359 người tử vong.

- Nga: 326.448 người mắc; 3.249 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 280.117 người mắc; 27.940 người tử vong.

- Brazil:  310.921 người mắc; 20.082 người tử vong.

*Việt Nam: 324 trường hợp mắc COVID -19.

Đến 6h ngày 23/5, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng.

Tổng cộng 267 người đã được chữa khỏi. Trong đó:

16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).

251 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 23/5) được chữa khỏi (giai đoạn 2)

Theo Tổng hợp từ Reuters & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật dịch COVID-19 sáng 23/5: Nam Mỹ trở thành tâm dịch mới, Châu Phi có hơn 100.000 ca nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO