Cập nhật dịch COVID-19 sáng 20/5: Thế giới gần 5 triệu người mắc, rủi ro khi nhiều quốc gia xem xét mở cửa lại trường học?

Mai Đan| 20/05/2020 08:50

(TN&MT) - Khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu hoạt động trở lại trong đại dịch COVID-19, vấn đề làm thế nào virus ảnh hưởng đến trẻ em và liệu các trường học có nên được mở lại hay không đang là vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều nước.

Một đứa trẻ đeo khẩu trang đang khử trùng tay khi đến trường tiểu học, trong khi các trường học ở Áo mở cửa trở lại cho học sinh khoảng 6-14 tuổi, trong đợt dịch COVID-19 toàn cầu, tại Brunn am Gebirge, Áo ngày 18/5/2020. Ảnh: Reuters

Trẻ em chịu rủi ro thấp hơn trong đại dịch COVID-19?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có ít trường hợp nhiễm COVID-19 ở trẻ em so với trường hợp mắc bệnh này ở người lớn. CDC cho biết khoảng 2% người mắc COVID-19 được xác nhận ở Mỹ là ở những người dưới 18 tuổi. Theo cơ quan này, tỷ lệ đó là 2,2% ở Trung Quốc, 1,2% ở Ý và 0,8% ở Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, với dân số nói chung, các nhà dịch tễ học cho rằng những tỷ lệ đó có thể không bao gồm trẻ em không có triệu chứng, vì những người không có triệu chứng hiếm khi được xét nghiệm xem có nhiễm bệnh hay không.

Các quan chức cũng cảnh báo các bác sĩ cần cảnh giác với các trường hợp mắc hội chứng viêm đe dọa tính mạng hiếm gặp liên quan đến COVID-19 ở trẻ em, được cho là tương tự như bệnh Kawasaki.

Trẻ em dễ lây bệnh như người lớn?

Một nghiên cứu gần đây đã quan sát một tập hợp các nhóm gia đình quốc tế nhiễm COVID-19 và thấy rằng trẻ em là nguồn lây nhiễm ban đầu trong chưa đầy 10% trường hợp. Nghiên cứu do Đại học Queensland ở Australia tiến hành và được đăng trên hệ thống SSRN vào tháng 4, đã được gửi đến tạp chí y khoa The Lancet nhưng chưa được đồng nghiệp thẩm định.

Một số nghiên cứu nhỏ ở các quốc gia như Iran và Pháp cũng như Viện Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường Quốc gia Hà Lan đã đưa ra kết luận tương tự.

Trẻ em có mang cùng một lượng virus không?

Ít nhất một nghiên cứu đã xem xét số lượng virus corona chủng mới trong cơ thể của bệnh nhân COVID-19, một phép đo được gọi là “tải lượng virus” (số lượng các mảnh hoặc các thành phần của virus chứa trong một thể tích máu – PV), phát hiện ra rằng số lượng virus không liên quan đến tuổi.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học ở bệnh viện Charité - Đại học Y khoa Berlin, Đức cho biết một phân tích hồi đầu năm nay với gần 4.000 mẫu xét nghiệm dương tính cho thấy trẻ rất nhỏ không có khác biệt đáng kể so với người trưởng thành về tải lượng virus. Điều này khiến họ phải thận trọng trước việc mở lại trường học không giới hạn.

Tuy nhiên, một phân tích riêng biệt được thực hiện bởi Đại học Zurich, Thụy Sĩ cảnh báo rằng những phát hiện này rất khó diễn giải do các phương pháp thống kê được sử dụng và một số ít trường hợp được xác định ở trẻ em và thanh thiếu niên.

“Một phân tích lại dữ liệu tóm tắt với một thử nghiệm cho thấy có bằng chứng, nhưng không quá mạnh về việc tăng tải lượng virus với tuổi ngày càng tăng” - tác giả chính của phân tích, Tiến sĩ Leonhard Held, Giáo sư về thống kê sinh học tại Đại học Zurich nhấn mạnh.

Cập nhật lúc 6h ngày 20-5-2020:

*Thế giới: 4.905.839 người mắc; 320.368 người tử vong, trong đó:

- Hoa Kỳ: 1.550.294 người mắc; 91.981 người tử vong.

- Nga: 299.941 người mắc; 2.837 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 278.188 người mắc; 27.709 người tử vong.

- Brazil:  255.368 người mắc; 16.853 người tử vong.

*Việt Nam: 324 trường hợp mắc COVID -19.

Đến 6h ngày 20/5, đã 34 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng.

Tổng cộng 264 người đã được chữa khỏi. Trong đó:

16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).

248 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 19/5) được chữa khỏi (giai đoạn 2)

Theo Tổng hợp từ Reuters & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật dịch COVID-19 sáng 20/5: Thế giới gần 5 triệu người mắc, rủi ro khi nhiều quốc gia xem xét mở cửa lại trường học?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO