WHO: Các nước sẵn sàng với tình huống virus quay trở lại
“Những người dễ bị tổn thương trong các tổ chức, bao gồm cả những người trong các cơ sở chăm sóc dài hạn, nhà tù và nhà ở tập thể cho người di cư phải được bảo vệ”, Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia về các vấn đề khẩn cấp hàng đầu của WHO cho biết.
Theo ông Ryan, ngay cả khi virus đang được kiểm soát, các cộng đồng phải vẫn tuân theo các biện pháp giãn cách xã hội và vệ sinh và việc kiểm tra các trường hợp nghi ngờ nhiễm phải tiếp tục.
“Điều đó thực sự quan trọng khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp đề phòng sự lây nhiễm và đặc biệt là đối phó với sự lây lan trong các môi trường đặc biệt”, ông Ryan cho biết trong một cuộc họp báo.
Virus này đã lây lan trong các cơ sở cho người già ở châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi ở Singapore, nó đã lây nhiễm cho những người lao động nhập cư trong nhà ở tập thể. “Chỉ một tia lửa trong tình huống như thế có thể biến thành “đám cháy” rất nhanh”, ông Ryan nhấn mạnh.
WHO nhận ra sự khó khăn của các nước trong việc duy trì tình trạng phong tỏa trong đại dịch, “vì những lý do xã hội, tâm lý và kinh tế”.
“Vì vậy, chúng tôi rất lo lắng rằng các nước có thể chuyển sang tình huống mà bệnh COVID-19 có thể được kiểm soát với các biện pháp ít nghiêm ngặt hơn”, ông Ryan cho biết.
Tuy nhiên, ông Ryan cho hay: “Nếu chúng ta muốn tránh một tình huống mà đưa ra các biện pháp quá dễ dàng thì sau đó chúng ta sẽ quay trở lại sự lây nhiễm mạnh mẽ hơn và phải làm lại từ đầu”.
Theo ông Ryan, ngay cả khi một số nước phương Tây bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, vẫn có những xu hướng đáng lo ngại về sự lây lan ở các quốc gia từ Haiti đến Somalia và Yemen. Sự lây lan đó cũng có thể xảy ra ở Sudan, Nam Sudan, Syria, Yemen, Afghanistan, Sierre Leone, Cộng hòa Trung Phi và một khu vực nghiêm trọng ở Kano, miền Bắc Nigeria.
Liên quan đến loại virus corona chủng mới xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ông Ryan nhắc lại rằng các nhà khoa học kiểm tra trình tự gen của nó đã khẳng định với WHO rằng virus này có nguồn gốc tự nhiên.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bảo vệ mạnh mẽ các hành động kịp thời của WHO trong việc tuyên bố virus corona chủng mới là một trường hợp khẩn cấp quốc tế vào cuối tháng 1.
Anh đạt mục tiêu xét nghiệm COVID-19 khi số người chết tăng vọt trở lại
Chính phủ Anh đã đạt mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm virus Sars-CoV-2/ngày trong bối cảnh số ca tử vong vì COVID-19 tăng cao trở lại.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo trong thời gian 24h tính đến sáng 1/5, nước Anh đã thực hiện trên 122.000 xét nghiệm đối với những người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Như vậy, nước này đã đạt được mục tiêu đề ra từ giữa tháng 3 là sẽ tiến hành ít nhất 100.000 xét nghiệm mỗi ngày nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn dịch dịch bệnh lây lan.
Mặc dù đạt mục tiêu chậm hơn thời gian đặt ra gần 1 tuần nhưng số ca xét nghiệm trên vẫn được cho là một thắng lợi nhỏ của chính phủ Anh bởi việc xét nghiệm trên phạm vi rộng là một trong các chủ đề khiến chính phủ Anh bị chỉ trích gay gắt nhất trong nhiều ngày qua.
Các nhân viên của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh từ các cửa sổ trong Bệnh viện St Mary cổ vũ cho chiến dịch mang tên "Clap for our Carers" sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại London, Anh vào ngày 30/4/2020. Ảnh: Reuters |
Trong ngày 1/5, nước Anh ghi nhận thêm 739 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 27.510 người, cao thứ hai châu Âu và thứ ba thế giới, sau Mỹ và Ý. Tổng số ca nhiễm bệnh qua xét nghiệm tăng đến hơn 177.000 người.
Với số ca nhiễm và tử vong trên, lãnh đạo nhiều vùng tại Vương quốc Anh như Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon cho rằng hiện vẫn chưa đủ an toàn để tính đến chuyện nới lỏng hoặc dỡ bỏ phong toả, trái ngược với tuyên bố lạc quan hôm 30/4 của Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng ông sẽ công bố kế hoạch dỡ phong toả vào tuần sau.
Cuộc sống ở Pháp sẽ không bình thường sau ngày 11/5
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 1/5 cảnh báo rằng việc chấm dứt lệnh phong tỏa quốc gia vào ngày 11/5 sẽ chỉ là bước đầu tiên để Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng virus corona.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một cuộc họp trực tuyến với chính quyền địa phương của các vùng lãnh thổ La Reunion, Mayotte và Saint Pierre et Miquelon về đại dịch COVID-19 tại Cung điện Elysee ở Paris, Pháp vào ngày 30/4/2020 |
Phát biểu tại dinh Tổng thống, ông Macron cho biết: “Sau ngày 11/5, cuộc sống sẽ chưa trở lại bình thường. Đất nước cần phải phục hồi. Sẽ có một vài giai đoạn và ngày 11/5 sẽ là một trong số đó”.
Ireland thực hiện bước đầu tiên trong kế hoạch thoát khỏi virus corona
Ireland ngày 1/5 đã công bố những bước nhỏ đầu tiên để giảm bớt các hạn chế nhằm làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19 và đưa ra lộ trình mở lại nền kinh tế dần dần từ ngày 18/5 nếu virus có thể được kiểm soát.
Ireland đã thực thi các biện pháp ở nhà gần 6 tuần trước, đóng cửa tất cả trừ các hoạt động thiết yếu. Nền kinh tế sẽ hoạt động trở lại, bắt đầu vào ngày 18/5 với kế hoạch mở lại nền kinh tế trong 5 giai đoạn 3 tuần với giai đoạn cuối được ấn định vào ngày 18/8. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết nếu tình hình virus tồi tệ hơn, nền kinh tế có thể quay trở lại một giai đoạn.
Công việc ngoài trời, như xây dựng, sẽ tiếp tục vào ngày 18/5 cùng với việc mở lại một số nhà bán lẻ như trung tâm vườn và cửa hàng phần cứng. Một số môn thể thao như tennis và golf và các cuộc tụ họp ngoài trời trong phạm vi 4 người cũng sẽ được phép hoạt động trở lại.
Các nhà bán lẻ đảm bảo giãn cách xã hội có thể mở cửa trở lại vào ngày 8/6. Các khách sạn, trừ các quán bar của khách sạn, có thể mở cửa từ ngày 20/7. Các quán rượu và câu lạc bộ đảm bảo giãn cách xã hội nằm trong danh sách được mở cửa cuối cùng vào ngày 10/8, cùng với việc quay trở lại làm việc trên tất cả các lĩnh vực và du lịch đến các đảo xa bờ.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết các trường học các cấp và trường đại học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9 năm nay và nội các sẽ thảo luận để thống nhất các biện pháp tiếp theo nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Cập nhật lúc 8h ngày 2/5/2020:
*Thế giới: 3.320.541 người mắc; 234.392 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 1.095.304 người mắc; 63.871 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 239.639 người mắc; 24.543 người tử vong.
- Ý: 205.463 người mắc; 27.967 người tử vong.
- Pháp: 167.178 người mắc; 24.376 người tử vong.
*Việt Nam: 270 trường hợp mắc COVID -19.
Đến 6h00 ngày 2/5, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 219 người đã được chữa khỏi. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
203 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 28/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2)