Trong nước

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành: Làm rõ tính khả thi nguồn đối ứng của địa phương đối với dự án cao tốc

Khương Trung 25/05/2024 20:43

(TN&MT) - Các đại biểu Quốc hội Tổ 6 đề nghị Chính phủ làm rõ tính khả thi nguồn đối ứng của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án cao tốc…

small_dbqh-lan.jpg
Đại biểu Lý Thị Lan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV điều hành phiên họp Tổ 6, chiều 25/5

Tiếp tục chương trình làm việc, trong phiên thảo luận chiều ngày 25.5, tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai), các đại biểu đồng tình với chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắc Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời, đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện các tờ trình, báo cáo của Chính phủ. Trong đó, đề nghị Chính phủ làm rõ tính khả thi nguồn đối ứng của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án cao tốc…

small_dbqh-chinh.jpg
Đại biểu Phạm Thuý Chinh (Hà Giang)

Các đại biểu cho rằng, việc đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắc Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng cũng như của riêng 2 địa phương. Đóng góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Phạm Thuý Chinh (Hà Giang) cho rằng: Hồ sơ của Chính phủ trình rất công phu, chi tiết. Nguồn vốn đề xuất thực hiện dự án từ Ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BOT). Song, đại biểu băn khoăn, mặc dù đã có cam kết của các địa phương về tiến độ, nguồn vốn đối ứng. Hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Do vậy, việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương như dự kiến sẽ rất khó khăn, đề nghị phải có giải pháp cụ thể hơn, tránh tình trạng sau một thời gian triển khai lại chuyển sang nguồn vốn Trung ương.

Đại biểu Chinh cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi từ nguồn vốn đầu tư BOT. Làm rõ ý kiến này, đại biểu cho biết: Phương án tính toán tài chính, thu hồi vốn của dự án theo phương thức đầu tư này dựa trên lưu lượng xe. Lấy dẫn chứng từ cao tốc Lạng Sơn, lưu lượng xe thực tế chỉ bằng 1/3 so với dự kiến ban đầu. Do đó, khả năng thu hồi vốn là vô cùng khó khăn. Bởi vậy, trong hồ sơ trình Quốc hội, Chính phủ cần tính toán lưu lượng xe phù hợp, sát thực tiễn. Mặt khác, cũng cần đề cập đến vấn đề rủi ro đối với phương thức đầu tư BOT trong báo cáo; bổ sung vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong thi công, quản lý dự án.

small_dbqh-long.jpg
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai)

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) khẳng định, dự án cao tốc được triển khai, hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, ngoài vấn đề nguồn vốn đầu tư cho dự án, trong báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan khi chậm tiến độ. Rút kinh nghiệm từ một số dự án trước kia, việc chậm tiến độ còn do thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né trách của cán bộ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hợp lý đối với những đoạn đi qua vùng đất giáp ranh giữa các địa phương. Đây cũng là một trong những rào cản làm chậm tiến độ của dự án.

small_dbqh-lan-1.jpg
Toàn cảnh phiên họp chiều 25/5

Liên quan đến phương thức đầu tư BOT, đại biểu Long nhận đinh: Trong báo cáo của Chính phủ, vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án. Thời gian qua, các dự án đường bộ đầu tư theo phương thức BOT đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn, trong khi nguồn vốn nhà đầu tư thu xếp là khá lớn. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi cho, đề nghị Chính phủ cần thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư quan tâm trong việc thu xếp vốn cho dự án, tránh phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ đầu tư theo phương thức BOT sang đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành: Làm rõ tính khả thi nguồn đối ứng của địa phương đối với dự án cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO