Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa
Quang cảnh Giao ban |
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021 tới đây, nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa chất lượng, tạo điều kiện cho người dân Thủ đô mua sắm, cùng với đó là công tác bình ổn thị trường Tết với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở đã có 6 kế hoạch, phương án và 18 văn bản đảm bảo công tác phục vụ nhân dân trong dịp Tết trên địa bàn thành phố.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, theo kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố đến các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức tín dụng, đến nay, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia Chương trình để đưa hàng bình ổn phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán. Trong đó, có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm,1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể, 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh thành phố ngoài Hà Nội.
Thành phố tập trung thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn |
Trong đó, có nội dung đảm bảo cung cầu hàng hóa; công tác bình ổn thị trường; công tác phòng chống dịch Covid-19; tổ chức các hội chợ nông sản; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác hàng hóa đưa về Hà Nội đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhân dân trong dịp Tết 2021.
Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2021 của thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc sở Công Thương Hà Nội
"Các đơn vị trên địa bàn thành phố đã xây dựng Kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 - 22% so với kế hoạch Tết 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng như cầu tiêu dùng của nhân dân, đảm bảo không thiếu hàng phục vụ Tết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch tết năm 2020".
Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương tổ chức Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 trong tháng 1/2021, với quy mô dự kiến khoảng 200 gian hàng tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, Sở dự kiến tổ chức 88 chợ Hoa Xuân phục vụ Tết, các chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp dứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân; tạo điều điện cho đơn vị kinh doanh tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại hệ thống các điểm bán hàng bao goòm 455 chợ, 142 siêu thị, trên1.800 cửa hàng tiện ích, chuỗi...
Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Hapro cũng cho biết, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo Chương trình bình ổn giá, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng khô, các loại quả - hạt khô phục vụ Tết; quần áo; các mặt khác như: đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm... Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, lượng hàng hóa các đơn vị tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội trong dịp Tết đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Sẽ có 4 Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ban hành Quyết định thành lập 4 Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác An toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân năm 2021. Thời gian kiểm tra từ 25/12/2020 - 25/3/2021, tại 30 quận, huyện và thị xã.
Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội
"Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ chủ động phân công cán bộ, công chức quản lý địa bàn, lĩnh vực nắm bắt diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các mặt hàng phục vụ, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết. Kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để tăng giá thu lời bất chính, kiểm soát không để giá cả tăng đột biến".
Theo Quyết định, đối tượng thanh, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,... các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, các đoàn của thành phố tập trung thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, Trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yêu do cấp huyện, xã thực hiện thanh tra, kiểm tra.
Thông tin thêm tại Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra khoảng 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, kiểm công tác phòng chống dịch tại 25 đơn vị sản xuất kinh doanh thương mại, sự kiện xúc tiến thương mại trên địa bàn.
Cũng trong thời điểm nay, Sở Công Thương sẽ phối hợp tổ chức kiểm tra liên ngành tại 30 quận huyện thị xã trên địa bàn về công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tết Nguyên đán và Lễ hội năm 2021...
Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra, xử lý tháng cao điểm Tết từ 15/11/2020 - 15/12/2020, tổng số vụ việc kiểm tra là 793 vụ việc, đã xử lý 677 vụ việc, với tổng số tiền xử lý trên 9 tỷ đồng. Bao gồm, phạt hành chính gần 4 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm gần 1,5 tỷ đồng, xử lý, tiêu hủy, tái chê/buộc thay đổi mục đích sử dụng hàng hoáng vi phạm trị giá trên 3,7 tỷ đồng.