Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Cao Bằng tập trung đột phá phát triển 3 thế mạnh đó là dịch vụ du lịch; nông- lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biên mậu.
Định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cao Bằng. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng, là thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam, trong đó, du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, địa hình được khai thác trên sự tương tác bền vững với những yếu tố độc đáo của Cao Bằng; gắn du lịch với đặc sản và ẩm thực độc đáo của địa phương.
Thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh. Phát triển du lịch bền vững gắn với tuyên truyền, quảng bá Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận để du khách trong, ngoài nước biết tới và chiêm ngưỡng di sản đặc biệt này.
Chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Cao Bằng tập trung khai thác thế mạnh của các loại cây ăn quả, giống lúa quý, đặc sản của địa phương và các loại cây dược liệu. Thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo mô hình hữu cơ sạch gắn với chế biến sâu; liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Xây dựng thương hiệu nông sản truyền thống nổi tiếng, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trồng rừng và phát triển các nghề dưới rừng, trong đó chú trọng chế biến gỗ xuất khẩu. Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp tầm cỡ về chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất các mặt hàng đồ gỗ gia dụng phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu; phát triển dịch vụ hậu cần, logistic khu kinh tế cửa khẩu; nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính ngạch; áp dụng các biện pháp, giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cao Bằng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch các ngành theo hướng chiến lược ổn định, có tầm nhìn xa, không mâu thuẫn cản trở nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút nhà đầu tư chiến lược triển khai và hoàn thành tuyến cao tốc từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng trong giai đoạn 2019-2022, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường; tuyên truyền thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp của người dân sang phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy lùi tư duy tiểu nông, nhằm nâng cao mức sống của người dân, xóa đói giảm nghèo. Tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã. Động viên ý chí khởi nghiệp, vươn lên trong mọi người dân, mọi cộng đồng dân tộc thiểu số, xem đây là lực lượng phát triển không phải chỉ là đối tượng chính sách.
Tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Cao Bằng quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh thuộc nhóm trung bình cả nước). Tăng cường thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh; coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển bền vững của Tỉnh. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát động tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2020 số doanh nghiệp của Tỉnh tăng gấp 2-3 lần hiện nay.
Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh hạ tầng cứng được nhà nước đầu tư, cần phát huy nguồn lực mềm, các yếu tố hạ tầng thông minh như năng lực kỹ năng, nghiệp vụ cán bộ, công chức, sự gắn kết xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, chất lượng quản trị Nhà nước, khả năng kết nối thông tin, phổ cập internet; ứng dụng công nghệ số, thành tựu khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý Nhà nước. Cao Bằng không đứng ngoài lề xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tỉnh Cao Bằng cũng cần tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp hiệu quả đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Tiếp tục quan tâm đến các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, đặc biệt tại huyện và các xã đặc biệt khó khăn. Quan tâm nâng cao mức sống của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đói nghèo chính là một trong những căn nguyên và thách thức phức tạp nhất đối với các mối đe dọa về an ninh, trật tự.