(TN&MT) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (CGC) hiện nay, đặc biệt là dịch cúm A/H7N9 bùng phát ở Trung Quốc, Cao Bằng là một trong những tỉnh có nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập và bùng phát dịch cúm A/H5N1 rất lớn. Các lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai kế hoạch ứng phó với dịch CGC, trong đó tập trung ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm qua biên giới vào nội địa.
Gia cầm không rõ nguồn gốc được bán nhiều tại chợ Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng
Từ đầu năm đến nay, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới không rõ nguồn gốc diễn ra nhiều, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Các thương lái thường chia nhỏ số gia cầm để vận chuyển cho các địa điểm thu gom hoặc bán tại chợ. Thương lái thường vận chuyển gia cầm từ các tỉnh miền xuôi lên bằng xe vận tải nhỏ, tập trung giao cho các nhà hàng. Thành phố Cao Bằng hiện có một điểm thu gom gia cầm sống tại khu tái định cư phường Ngọc Xuân, với số lượng từ 150 – 200 con/ngày. Ngoài ra, còn có một điểm tập kết gia cầm vận chuyển từ các tỉnh miền xuôi lên. Cứ 2 – 3 ngày có khoảng 1 tấn gia cầm được tập kết ở đây mà chưa được kiểm tra.
Dạo một vòng qua một số chợ ở ngoại vi thành phố như: Ngọc Xuân, Đề Thám, Tân Giang, gia cầm được bày bán đến từ nhiều nguồn khác nhau. Một chủ hàng cho biết, gà ở đây lấy từ Bắc Giang lên, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng có (?!)… Các chợ phiên ở các huyện biên giới cũng đều có điểm thu gom gia cầm với nhiều nguồn gốc khác nhau (từ Trung Quốc sang, của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, từ các tỉnh miền xuôi lên). Theo Chi cục Thú y tỉnh, tất cả việc mua bán, vận chuyển, chủ hàng chưa bao giờ khai báo cho cơ quan thú y kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch, do đó việc mua bán, vận chuyển gia cầm chưa được kiểm soát.
Thực tế, qua các mẫu xét nghiệm H5N1, H7N9 của Chi cục Thú y tỉnh đối với gia cầm, trong đó có cả gà nhập lậu từ Trung Quốc, tất cả đều âm tính với cả 2 loại vi rút trên. Tỉnh Cao Bằng cũng chưa phát hiện có các ổ dịch gia cầm chết nghi cúm để lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, do việc vận chuyển gia cầm nhập lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ nên mặc dù vẫn chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người, tỉnh Cao Bằng đang huy động các lực lượng chức năng cùng vào cuộc phòng, chống dịch CGC, đặc biệt là tại địa bàn biên giới. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo và triển khai trên toàn tuyến biên giới về công tác ngăn chặn nhập lậu gia cầm.Thành lập 2 chốt kiểm soát tại địa bàn biên giới Ngọc Côn (Trùng Khánh) và Nà Đoỏng, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh). Chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyên truyền trong nội bộ tình hình dịch CGC và tuyên truyền tới nhân dân các xã biên giới không buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Hiện nay, các đồn Biên phòng đang khẩn trương rà soát tình hình nhập lậu gia cầm để lập thêm các chốt kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ trên toàn tuyến biên giới.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu tại các huyện: Trùng Khánh, Thạch An và Thành phố; phân công cán bộ trực 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát vào ban đêm. Đặc biệt, tiến hành thống kê các đối tượng kinh doanh, buôn bán gia cầm để tổ chức cho ký cam kết không tham gia buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên, theo Chi cục Thú y tỉnh và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc xác định nguồn gốc gia cầm có phải nhập lậu hay không còn khó khăn, nhất là tại địa bàn biên giới.
Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ ngay ở biên giới, ngăn chặn triệt để gia cầm nhập lậu đi sâu vào nộị địa, việc triển khai tiêu độc khử trùng để chủ động tiêu diệt vi rút cũng là một trong những biện pháp cấp bách hiện nay. Tại cửa ngõ vào các huyện miền Đông (Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Phục Hòa, Hạ Lang), tỉnh đã thành lập chốt kiểm dịch liên ngành tại Mã Phục, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), thực hiện khử trùng phương tiện ra khỏi địa bàn đi sâu vào nội địa. Bằng nguồn ngân sách địa phương, chương trình Dự án LIFSAP hỗ trợ, Chi cục Thú y tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ công tác chống dịch cho các huyện, Thành phố, như: bình phun, hóa chất, quần áo chống dịch... Ông Đặng Quang Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Do trên địa bàn chủ yếu là gia cầm của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có trang trại như các tỉnh miền xuôi nên giải pháp tối ưu là tiêu hủy gia cầm khi phát hiện ổ dịch. Những hộ chăn nuôi với quy mô lớn tự đặt mua vắc xin với Chi cục, Chi cục luôn đảm bảo cung cấp vắc xin để các hộ tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Để phòng, chống dịch CGC hiệu quả, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa trong triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh, nhất là ở các huyện biên giới kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm nhập lậu. Xử lý nghiêm các hành vi không chấp hành quy định về vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm. Các hộ chăn nuôi khi thấy gia cầm chết, có biểu hiện bệnh cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xét nghiệm, tiêu hủy, xử lý khoanh vùng dập dịch. Mỗi người dân tự biết bảo vệ mình, giết mổ, sử dụng gia cầm có nguồn ngốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch.
Bài và ảnh: Ngọc Minh - Dạ Đăng
Theo báo cáo nhanh, từ ngày 1- 17/2, Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) và Công an Thành phố qua kiểm tra, kiểm soát đã thu giữ hơn 200 kg sản phẩm gia cầm đông lạnh, hơn 500 kg gia cầm sống nhập lậu; Đội kiểm tra liên ngành huyện Phục Hòa kiểm tra, thu giữ gần 300 kg sản phẩm gia cầm đông lạnh. Tính đến ngày 24/2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hùng Quốc đã thu giữ 100 kg gia cầm nhập lậu; Đồn Biên phòng Quang Long thu giữ 40 kg gia cầm nhập lậu. |