Được hưởng lợi từ Dự án, những năm qua, huyện Hà Quảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các hợp phần của Dự án, sản xuất nông nghiệp tại khu vực Dự án triển khai có thay đổi rõ rệt.
Hà Quảng là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng, có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 51%, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện Hà Quảng hiện có 14 xã được thụ hưởng từ Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ.
Ông Triệu Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban điều hành Dự án CSSP huyện Hà Quảng (Cao Bằng) cho biết, từ khi triển khai Dự án trên địa bàn các xã đã làm thay đổi rõ nét về sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thể nói, dự án được triển khai trên địa bàn huyện Hà Quảng đã phần nào làm thay đổi nhận thức, tạo điều kiện cho người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa; kết nối người dân, người sản xuất với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Qua hơn 3 năm triển khai dự án, bộ mặt nông thôn mới của huyện Hà Quảng như “khoác lên mình một tấm áo mới”. Toàn huyện có trên 18.800 lượt người dân được tiếp cận các hoạt động dự án, trong đó hơn 10.500 lượt được hưởng lợi trực tiếp. Một trong những thành công từ dự án là đã thành lập được 248 nhóm đồng sở thích với tổng số 3.417 thành viên, trong đó, tỷ lệ nữ chiếm 56,69%, hộ nghèo chiếm 68,13%. Tham gia nhóm đồng sở thích, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, đổi công, được tập huấn kỹ thuật, đề xuất xin tài trợ cạnh tranh…, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây của người dân.
Huyện Hà Quảng triển khai được 9 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu như: trồng gừng trâu tại các xã Cải Viên, Vân An, Thượng Thôn; nuôi gà ta tại xóm Nặm Dựa, xã Cần Nông; mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi hỗ trợ cho 107 hộ gia đình di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở... Huyện mời gọi được trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia vào cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho người dân và nhóm đồng sở thích.
Từ bao đời nay, người dân xóm Lũng Quảng, xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) chăn nuôi trâu, bò theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu để lấy sức cày, kéo. Năm 2017, Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ được triển khai, hỗ trợ thành lập nhóm sở thích xóm Lũng Quảng với 15 thành viên. Các thành viên tham gia thường xuyên được tuyên truyền, vận động hỗ trợ vốn, di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, tập huấn các kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc… Có kinh nghiệm chăn nuôi, thay đổi tư duy từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung đã góp phần đem lại nguồn thu nhập cao, đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân.
Chị Triệu Thị Hương, thành viên nhóm đồng sở thích xóm Lũng Quảng, xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) chia sẻ: “Từ khi có hỗ trợ từ Dự án, người dân chăn nuôi chúng tôi đã được tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc. Gia đình tôi đã đầu tư để xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc cách xa nhà ở, đảm bảo công tác phòng, chống đói rét cho trâu, bò. Đồng thời, tiêm phòng cho gia súc, ủ chua thức ăn để dự trữ trong mùa đông, nhờ đó đàn trâu, bò phát triển khỏe mạnh. Gia đình tôi nuôi trung bình từ 8 - 10 con, mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng”.
Có thể khẳng định, Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng được triển khai đã phần nào làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Để tiếp tục phát huy hiệu quả Dự án, thời gian tới, huyện Hà Quảng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân nhằm bảo đảm tính bền vững của các mô hình. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn tại các xã vùng dự án, góp phần tạo thuận lợi trong quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại địa phương.