Rạng sáng, ngày 5/4, khi gia đình chị Phùng Thị Lệ, xóm Khào B, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đang ngủ thì bất ngờ 3 tảng đá lớn lăn từ trên núi xuống nhà, làm sập mái nhà. Hậu quả làm chị Lệ bị thương rất nặng phải đi cấp cứu ở bệnh viện; 2 đứa con của chị là cháu Hoàng Linh Hiệp (SN 2005) bị thương nhẹ, cháu Hoàng Linh Đan (SN 2016) bị thương ở vùng đầu; nhiều tài sản, đồ vật và xe máy bi hư hỏng nặng.
Ông Hoàng Văn Nghị, Trưởng xóm Khào B, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, người dân trong xóm chúng tôi đã nhanh chóng có mặt để giúp đỡ đưa chị Lệ và các cháu nhỏ đến bệnh viện để cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, đến 16 giờ cùng ngày, chị Lệ đã được chuyển tuyến cấp cứu xuống bệnh viện Hà Nội. Còn 2 cháu nhỏ đã được về nhà.
Ghi nhận của phóng viên báo TN&MT, tại hiện trường xảy ra vụ việc, căn nhà cấp bốn dường như đã không còn hình dạng bởi bị 1 tảng đá to (khoảng hơn 20m3) và 2 tảng đá nhỏ (khoảng hơn 10m3) lăn từ trên núi cao khoảng 100m từ sau nhà xuống đè bẹp. Tất cả đồ dùng, vật dụng sinh hoạt trong nhà như: tivi, 2 chiếc xe máy, bàn ghế... đều bị hư hỏng hoàn toàn. Điều đáng nói, ngôi nhà của gia đình chị Lệ nằm ngay dưới chân núi mà sườn núi bên kia đang được Hợp tác xã Nho Xanh khai thác đá.
Ông Lương Văn Lượng, Bí thư Chi bộ xóm Khào B, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên cho biết: Trước đây, mỏ đá do Hợp tác xã Nho Xanh khai thác đã có lần làm đá rơi vào phần mồ mả của gia đình chúng tôi, gây bức xúc trong người dân. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã có ý kiến, kiến nghị với cấp trên về việc Hợp tác xã Nho Xanh nổ mìn khai thác đá không đảm bảo an toàn, có nguy cơ đe dọa tính mạng, nhà cửa của người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy các cấp có thẩm quyền trả lời.
Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo huyện Quảng Uyên đã đến động viên, khắc phục hậu quả, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng xác minh, điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ lở đá này.
Được biết, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 3/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xảy ra 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác đá. Mặc dù đã được các cơ quan báo chí địa phương liên tiếp thông tin cảnh báo về vấn đề an toàn lao động và quy trình khai thác tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hoạt động khai thác không tuân thủ theo thiết kế được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt, có nhiều tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Vấn đề đặt ra là, vì sao nhiều mỏ khai thác đá hoạt động đã vi pham quy trình khai thác như: không có giám đốc mỏ, không có hồ sơ khoan nổ mìn, không đủ bảo hộ trang bị cần thiết cho lao động, quản lý vật liệu nổ không đúng quy định, khoảng cách khu vực khai thác với khu dân cư không đảm bảo an toàn..., mà vẫn hoạt động. Đây cũng là những bất cập và kẽ hở trong việc quản lý, tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra thực trạng nổ mìn khai thác đá mất an toàn, hậu quả người dân phải gánh chịu do doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh gây ra.