Cạnh tranh giá đường, giá mía nguyên liệu tụt giảm mạnh

17/01/2018 00:30

(TN&MT) - Tại Gia Lai, hiện tại giá mía nguyên liệu đã giảm xuống ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, khiến nhiều nông dân trồng mía không khỏi lo...

 

(TN&MT) – Thách thức khi thuế nhập khẩu mía đường trong khu vực Asean sẽ là 0% sau năm 2018 đã tạo ra sức ép không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam. Giá đường xuống thấp tỉ lệ thuận với giá mía nguyên liệu. Tại Gia Lai, hiện tại giá mía nguyên liệu đã giảm xuống ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, khiến nhiều nông dân trồng mía không khỏi lo lắng.
 

26828243 25777995565330269 1693874396 o


Thời điểm hiện tại đang là vụ thu hoạch mía niên vụ 2017 – 2018 của nông dân các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Đăk Pơ, AYun Pa… (tỉnh Gia Lai). Thống kê toàn tỉnh cho biết, tổng diện tích cánh đồng sản xuất mía trên địa bàn tỉnh khoảng gần 40.000 ha, đây là vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy đường trên địa bàn. Gia Lai cũng là địa phương có diện tích mía nhiều nhất vùng Tây Nguyên.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện, năm nay, huyện đã định hướng cây trồng chủ đạo trên địa bàn là cây mía. Tổng diện tích mía toàn huyện nâng lên gần 5000 ha, tăng hơn 1000 ha so với năm ngoái. Mưa thuận gió hòa cũng khiến năng suất mía tăng hơn 5 tấn/ha so với mọi năm. Trong đó, những diện tích áp dụng trồng cánh đồng lớn đạt năng suất lên đến 120 tấn/ha. Tuy nhiên, do giá đường giảm nên giá mía thu mua tại ruộng dao động chỉ khoảng 600 -  800 ngàn đồng/tấn mía 10 trữ đường, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Ông Tống Văn Hiền – Thôn trưởng thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol (huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho biết: “Năm nay dù năng suất có cao hơn mọi năm nhưng với giá chỉ 600 – 800 ngàn đồng/tấn mía 10 trữ đường, chưa tính phí vận chuyển, bốc vác, phân bón… thì nông dân còn lời rất ít. Nếu ruộng mía đạt 100 – 120 tấn/ha thì tiền lời chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Còn đối với những ruộng đạt dưới 65 tấn/ha và trồng truyền thống thì sẽ không có lời”.

Với 15 ha, gia đình bà Vũ Thị Hằng (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã trồng mía từ năm 1999 đến nay. Năm 2017, năng suất mía của gia đình bà đạt 70 tấn/ha. “Gia đình tôi trồng mía truyền thống, năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt cao hơn mọi năm. Cứ nghĩ sẽ có lãi hơn các năm trước nhưng giá mía giảm thấp, trong khi công vận chuyển, phân bón lại cao. Nếu mọi năm lãi 40 triệu đồng/ha thì năm nay chỉ còn 10 triệu đồng/ha”, bà Hằng nói.

Được biết, giá mía nguyên liệu do nhà máy thu mua quyết định và phụ thuộc vào trữ đường của mía. Ông Nguyễn Bá Chủ - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai cho biết: “Giá mía Công ty thu mua theo giá thị trường, đảm bảo để nông dân có lời để tái sản xuất. Giá mía tính bằng 60 – 70% giá đường bán ra, do đó, ở thời điểm hiện tại do giá đường trên thị trường thấp nên giá mía bị kéo theo”.

Theo lộ trình, sau năm 2018, thuế nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực Asean sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Khi đó, lượng đường từ các quốc gia Asean với giá thấp hơn trong nước sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh lớn đối với ngành mía đường Việt Nam.

Ông Mai Ngọc Quý – Phó phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện chia sẻ, khi hội nhập, giá đường sẽ tiếp tục giảm, đồng nghĩa với giá mía nguyên liệu cũng giảm. Nông dân trồng mía của tỉnh Gia Lai cần hướng đến sản xuất tập trung trên cánh đồng lớn và áp dụng cơ giới hóa để tăng năng suất cây mía thì mới có lời. “Toàn bộ diện tích đất trồng mía của bà con đã được đo đạc và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nên bà con cứ yên tâm gộp đất để trồng mía theo hình thức cánh đồng lớn, cho năng suất cao mà không lo bị mất đất nữa”, ông Quý cho biết.

Theo ông Nguyễn Bá Chủ, nếu thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trên các cánh đồng mía lớn từ khâu làm đất, trồng mới, chăm sóc, thu hoạch… thì người dân sẽ không tốn công sức mà năng suất luôn đạt cao từ 100 – 130 tấn mía/ha. Như vậy, năm đầu tiên, người trồng mía sẽ lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng/ha, vụ thứ 2,3 sẽ lãi 30 - 40 triệu đồng/ha.

Như vậy, để vượt qua thách thức mà ngành mía đường Việt Nam gặp phải ở hiện tại và trong thời gian tới thì cần phải tăng sự liên kết giữa nông dân với nhà máy và giữa các nhà máy với nhau. Cơ giới hóa sản xuất, phát triển những cánh đồng mía lớn cho năng suất cao là điều cần thiết phải hướng đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh giá đường, giá mía nguyên liệu tụt giảm mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO