(TN&MT) - Vụ Hè Thu năm 2017, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tiếp tục phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia và Trung tâm khuyến nông 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH.
ĐBSCL có khoảng 1,5 triệu ha đất phèn, tập trung ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Cùng với đó là khoảng trên 800.000 ha đất nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển. Những khu vực nhiễm phèn, mặn này đều đang sử dụng để canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập chính cho bà con nông dân. So với đất phù sa, canh tác nông nghiệp nói chung và canh tác lúa nói riêng trên đất nhiễm phèn, mặn là tương đối khó khăn. Tuy nhiên nhờ quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, nguồn nước ngọt tương đối dồi dào cộng với nhiều tiến bộ mới về kỹ thuật canh tác được áp dụng nông dân khu vực ĐBSCL dần chinh phục và canh tác lúa trên các vùng đất phèn, mặn.
Hiện nay, tình trạng khô hạn do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn, bên cạnh đó là nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ít hơn nên canh tác trên đất nhiễm phèn, mặn gặp nhiều khó khăn hơn trước. Một trong những kỹ thuật quan trọng nhất để sản xuất lúa trên đất phèn, mặn là sử dụng nước ngọt để ém phèn, rữa phèn và mặn ra khỏi ruộng lúa. Ngoài ra, để tăng tác dụng rữa phèn các nhà khoa học khuyến cáo bổ sung thêm phân bón để tăng tác dụng cải tạo đất, trong đó vôi và lân là 2 loại sản phẩm được sử dụng rộng rãi nhất trước nay.
Từ vụ lúa Hè Thu năm 2016, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm Đầu trâu mặn-phèn. Sản phẩm ra thị trường đã được nông dân rất ưa chuộng vì hiệu quả rất tốt ở các vùng đất chịu tác động của phèn mặn. Với thành phần chủ yếu là Lân, Canxi và Silic dễ tiêu, sản phẩm đang được áp dụng tại các mô hình canh tác lúa thông minh và được nông dân đánh giá rất cao về mặt hiệu quả. Với lượng bón lót từ 100-160kg/ha cây lúa trong các mô hình đều đang phát triển rất tốt, đẻ nhánh mạnh và đặc biệt giảm được tác hại ngộ độc phèn giữa vụ.
Anh Dương Văn Sơn, nông dân xã Thạnh Yên A, U Minh Thượng, Kiên Giang - một trong những nông hộ thực hiện mô hình cánh tác lúa thông minh phấn khởi cho biết: “bón lót Đầu trâu mặn - phèn rất có hiệu quả, cây lúa phát triển rất mạnh, chúng tôi giảm đáng kể lượng phân bón thúc cho cây lúa nhưng vẫn đảm bảo số chồi hữu hiệu”. Các mô hình khác tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bến Tre, nông dân cũng nhận định như vậy.
Tại Ấp Cầu Lớn, Xã Mỹ Lạc, Thủ Thừa, Long An nhiều ruộng lúa của nông dân bị ngộ độc phèn giai đoạn 25 ngày sau sạ. Theo nông dân, ở đây là vùng đất phèn nên nông dân rất chú trọng việc bón lót, đầu vụ đã lót đến 700 kg lân nung chảy/ha nhưng do thiếu nước nên phèn vẫn xì lên và cây lúa bị ngộ độc. Cây lúa giai đoạn 30 ngày phát triển rất kém, bộ rễ bị vàng và không hút được dinh dưỡng nên cây còi cọc, triệu chứng ngộ độc phèn thể hiện rất rõ trên bộ lá lúa. Tuy nhiên, ruộng lúa cả 5 hộ trong mô hình canh tác lúa thông minh đều phát triển tốt, rõ ràng nông dân trong mô hình đã có bước chuẩn bị đất tốt hơn, và việc bón lót Đầu trâu mặn - phèn đã mang lại hiệu quả tốt.
Từ đó cho thấy rằng, bón lót Đầu Trâu Mặn Phèn có hiệu quả tốt trong việc rữa phèn, mặn tạo môi trường đất thuận lợi cho cây lúa trong các mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH vụ Hè Thu 2017 phát triển. Trong điều kiện sạ thưa, việc bón lót còn giúp cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây lúa hấp thu ở giai đoạn đầu, thúc ra lá và đẻ nhánh mạnh đồng thời giảm được phân bón thúc cho cây.
Thục Vy