Cảnh giác cao độ ứng phó bão số 13

Tuyết Chinh| 13/11/2020 12:33

(TN&MT) - Sáng 13/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chủ trì Cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với bão số 13.

Cuộc họp được trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì họp trực tuyến ứng phó với bão số 13

Tác động trực tiếp từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia: 9h sáng nay (13/11), bão số 13 ở vị trí 15,2 độ Vĩ Bắc, 115,2 độ Kinh Đông, cách đất liền 880km, tốc độ di chuyển 15 - 20km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15, khả năng tác động trực tiếp đất liền nước ta trong 48 giờ tới.

Phân tích những yếu tố tác động đến cường độ và quỹ đạo cơn bão, ông Khiêm cho biết, nhiệt độ bề mặt nước biển trên toàn bộ khu vực bão di chuyển vào phổ biến trên 27 độ, vùng ven bờ dưới 27 độ, cho nên bão có khả năng suy yếu khi áp sát đất liền.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện nhận định của các Trung tâm dự báo quốc tế đã thống nhất hơn về quỹ đạo và phạm vi ảnh hưởng của bão số 13. Theo đó, trên Biển Đông bão duy trì cường độ cấp 11 - 12, giật cấp 15; vào gần bờ cường độ bão giảm xuống cấp 9 - 10. Bão ảnh hưởng khu vực đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ; trong đó, lõi bão tác động trực tiếp các tỉnh từ Quảng Nam - Hà Tĩnh

Mưa lớn diện rộng ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ

Lưu ý các tác động của bão số 13, ông Khiêm cho biết, vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, riêng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12, biển động rất mạnh.

Cuộc họp được trực tuyến đến 10 địa phương duyên hải miền Trung

Trên đất liền, từ sáng 14/11, hoàn lưu bão gây gió mạnh trên đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam. Thời gian gió mạnh trên đất liền khoảng đêm ngày 14/11, sáng sớm ngày 15/11.

Thủy triều ven biển Trung Bộ đang lên nhưng ở mức trung bình. Đỉnh triều cao vào khoảng 22 giờ ngày 14/11 đến 2 giờ sáng ngày 15/11. Đáng chú ý, khu vực ngoài khơi sóng có thể cao từ 8 - 10m, ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) sóng trong bão cao 4 - 6m. Hoàn lưu bão cũng gây nước dâng ở khu vực ven biển các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, khả năng nước dâng do bão có thể cao tới 0,5 - 1m.

Đặc biệt, hoàn lưu bão tương đối rộng dẫn đến rìa mưa kéo dài các khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trong Trung Bộ. Hoàn lưu bão sẽ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng tập trung trong ngày 14,15/11; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mưa có thể kéo dài đến ngày 16/11. Vùng ven biển từ Đà Nẵng đến Thừa Thiên - Huế lưu ý có thể xảy ra mưa dồn dập với lượng mưa lên đến 100 - 200mm trong vòng 6 giờ.

Cụ thể, từ 14 - 16/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sẽ có mưa với lượng mưa từ 200 - 350mm, có nơi trên 3050mm. Khu vực Thanh Hóa - Nghệ An mưa to từ 50 - 150mm.

Với tình hình mưa như vậy, chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 1 - báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, các khu đô thị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, bão số 13 vẫn khó đoán định về đường đi, cường độ rất mạnh và lại đổ bộ trực tiếp vào miền Trung - khu vực chỉ trong hơn 1 tháng rưỡi qua đã hứng chịu 9 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới nên sên sẽ gây tổn thương rất lớn nếu không chủ động trong các phương án ứng phó.  Do vậy, các địa phương cần triển khai tích cực, sẵn sàng công tác ứng phó trên tất cả các tuyến từ tuyến biển, đất liền, đặc biệt là phía sườn Tây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác cao độ ứng phó bão số 13
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO