PV: Xin ông cho biết tình hình thời tiết trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thời gian gần đây như thế nào và dự báo thời tiết trong thời gian tới?
Ông Trần Trung Thành: Tháng 4 là tháng cuối mùa khô tại khu vực Tây Nguyên, thời tiết thường xảy ra mưa rào và giông vào buổi chiều tối. Tháng 4/2019 tại khu vực Tây Nguyên đã có một số ngày có mưa rào và giông cụ thể như: Khu vực tỉnh Kon Tum phổ biến có từ 10-14 ngày có mưa, lượng mưa đạt từ 100-150mm, đạt từ 120-150% so với trung bình nhiều năm. Khu vực tỉnh Gia Lai phổ biến có từ 7-10 ngày có mưa, lượng mưa đạt từ 40-100mm, đạt từ 40-80% so với trung bình nhiều năm.
Khu vực tỉnh Đắk Lắk phổ biến có từ 5-8 ngày có mưa, lượng mưa đạt từ 30-70mm, đạt từ 40-70% so với trung bình nhiều năm. Khu vực tỉnh Đắk Nông phổ biến có từ 6-9 ngày có mưa, lượng mưa đạt từ 40-90mm, đạt từ 50-80% so với trung bình nhiều năm. Khu vực tỉnh Lâm Đồng phổ biến có từ 11-14 ngày có mưa, lượng mưa đạt từ 150-200mm, đạt từ 120-160% so với trung bình nhiều năm.
Như vậy có thể thấy, khu vực phía Bắc và Nam Tây Nguyên lượng mưa và số ngày mưa đã đạt và vượt nhiều so với quy luật trung bình nhiều năm. Vùng trung tâm Tây Nguyên lượng mưa và số ngày mưa thiếu hụt khá nhiều so với quy luật trung bình nhiều năm. So với quy luật, mùa mưa năm 2019 tại khu vực Tây Nguyên đến muộn hơn từ 10-15 ngày. Dự báo vào khoảng thời kỳ giữa tháng 5/2019, toàn khu vực Tây Nguyên sẽ chính thức vào mùa mưa và khô hạn tại các khu vực trung tâm Tây Nguyên sẽ chấm dứt.
PV: Với diễn biến thời tiết như trên đã gây ra những ảnh hưởng như thế nào đến đời sống, tài sản, tính mạng của người dân 5 tỉnh Tây Nguyên, thưa ông?
Ông Trần Trung Thành: Thời gian từ đầu mùa mưa, tức là khoảng tháng 4/2019 đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: lốc, mưa đá, giông sét đã gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân trong khu vực. Cụ thể, có 03 người tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum bị thiệt mạng do lốc, sét đánh. Ngoài ra, thống kê trên 5 tỉnh Tây Nguyên cho thấy có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập và nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp bị ngã đổ. Ước tính thiệt hại trên 12 tỉ đồng.
PV: Thưa ông, với việc đưa vào vận hành hệ thống radar thời tiết Pleiku, công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn thuận lợi như thế nào?
Ông Trần Trung Thành: Trước đây chưa có Trạm radar thời tiết PleiKu, việc dự báo, cảnh báo mưa giông tại khu vực Tây Nguyên là rất khó khăn và chất lượng rất thấp, vì mưa giông thường hình thành và kết thúc rất nhanh chóng và xảy ra ở diện hẹp. Từ đầu tháng 2/2019, Trạm radar thời tiết Pleiku được đưa vào vận hành, nhờ số liệu quan trắc mây của Trạm này, Đài Khi tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên đã cảnh báo, dự báo các trận mưa giông trong các tháng vừa qua với thời gian dự báo trước từ 1-4 giờ, độ chính xác đạt trên 90%.
PV: Trước tình hình thời tiết diễn biến như hiện nay, ông có khuyến cáo gì đối với người dân không?
Ông Trần Trung Thành: Trong thời gian tới, là thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa và sau đó là đầu mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên. Trong thời gian này mưa đá, lốc tố thường xảy ra trong cơn giông. Vì vậy khuyến cáo với người dân cần tăng cường công tác phòng tránh mưa đá, lốc tố thường xảy ra vào chiều tối. Người dân nên cập nhật thường xuyên các bản tin dự bán thời tiết tại địa phương để chủ động tránh những rủi ro có thể xảy ra.
PV: Xin cảm ơn ông!