Cảng Hải Phòng và TIL ký kết thành lập liên doanh khai thác bến container số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã và đang đẩy mạnh đầu tư, hợp tác để phát triển hệ thống cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế tại các vị trí chiến lược, nhằm góp phần nâng cao năng lực logistics, kết nối hàng hóa Việt Nam với thị trường quốc tế.
Nhận lời mời của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Mediterranean Shipping Company S.A (MSC), vừa qua đoàn công tác VIMC do Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh làm trưởng đoàn, đã đến Geneva, Thụy Sĩ thăm và làm việc tại trụ sở Tập đoàn MSC. Tại đây, hai bên đã thống nhất các phương án hợp tác chiến lược, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa VIMC và MSC.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 01/7/2024, Cảng Hải Phòng, doanh nghiệp thành viên của VIMC đã ký kết thành lập liên doanh khai thác cảng với Công ty Terminal Investment Limited (TIL), công ty con chuyên về khai thác và đầu tư cảng container của MSC. Theo thoả thuận hợp tác, Cảng Hải Phòng và TIL thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Liên doanh giữa Cảng Hải Phòng và TIL được thành lập là minh chứng cho nỗ lực của VIMC trong việc hợp tác với các tập đoàn hàng hải hàng đầu thế giới để tạo ra bước đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải theo định hướng của Chính phủ Việt Nam. Điều này đánh dấu sự vươn tầm ra thế giới của VIMC trong lĩnh vực hàng hải.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Ammar Kanaan - Giám đốc điều hành của TIL, bày tỏ niềm vui khi được hợp tác với VIMC, cụ thể là Cảng Hải Phòng trong các dự án cảng biển tại Việt Nam. Hợp tác chiến lược này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với TIL. Giám đốc điều hành Ammar Kanaan, nhấn mạnh, sự hiện diện của TIL tại Việt Nam không chỉ mở rộng dấu ấn của TIL ở châu Á mà còn cho phép thúc đẩy sự tăng trưởng năng động và tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với MSC.
Tổng giám đốc VIMC, Nguyễn Cảnh Tĩnh khẳng định, sự hợp tác mang tầm chiến lược giữa VIMC và MSC, giai đoạn đầu là liên doanh Cảng Hải Phòng - TIL chắc chắn sẽ thành công. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa các đối tác, góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng hải Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Dự án đầu tư xây dựng các bến cảng container quốc tế số 3, 4 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019 do Công ty CP cảng Hải Phòng làm chủ dự án. Dự án bao gồm hai bến chính dài 750m, 1 bến sà lan dài 150m, hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 8000 – 14.000 TEU, tương đương 100.000 – 160.000 DWT, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm. Tổng mức đầu tư của dự án gần 7.000 tỷ đồng.
Được khởi công xây dựng từ tháng 7/2022, đến nay dự án đã hoàn thành 70% khối lượng, một số hạng mục bao gồm thi công hai cầu tàu đã hoàn thành và vượt tiến độ 3 tháng. Cảng Hải Phòng đang tập trung tối đa mọi nguồn lực để triển khai Dự án đảm bảo tiến độ đề ra, phấn đấu đưa Dự án vào khai thác trong quý I/2025 và hoàn thành to.àn bộ Dự án trong năm 2025. Khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng cho các hãng tàu trong khu vực và trên thế giới.
Thời gian qua, VIMC và MSC đang tích cực phối hợp để thành lập liên doanh đầu tư và xây dựng dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. Trong khuôn khổ chuyến làm việc, VIMC/Cảng Sài Gòn đã ký thỏa thuận với MSC/TIL để phát triển liên doanh này.
Với vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực. Việc phát triển trung tâm trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, hàng hóa sẽ được xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu, thay vì tại các cảng trung chuyển quốc tế khác của Châu Á.
VIMC và MSC sẽ đầu tư xây dựng cảng Cần Giờ theo hướng cảng xanh, ứng dụng công nghệ thông minh, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Khi hoàn thành, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.