Xã hội

Cần ưu tiên các chính sách để kiểm soát thuốc lá hiệu quả

Mai Anh 07/10/2023 - 21:27

(TN&MT) - Với hơn 8 triệu người chết mỗi năm trên toàn thế giới, đại dịch thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Triển khai các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá và các chính sách ưu tiên trong kiểm soát thuốc lá của Việt Nam luôn là việc làm cấp bách.

Gánh nặng sức khỏe và tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Y tế, trong số hơn 8 triệu người chết mỗi năm trên toàn cầu, khoảng 7 triệu ca tử vong là do sử dụng thuốc lá trực tiếp. Ngoài ra, hút thuốc thụ động (ngửi hoặc hít phải khói thuốc lá do người khác hút) là nguyên nhân gây ra khoảng 1,2 triệu ca tử vong ở những người không hút thuốc. Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 25% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu.

Trái ngược với một số báo cáo, tất cả các dạng thuốc lá đều có hại và không an toàn khi sử dụng hoặc tiếp xúc. Hút thuốc lá điếu là hình thức sử dụng thuốc lá phổ biến nhất trên toàn thế giới, nhưng nó chỉ là một trong nhiều sản phẩm thuốc lá. Các sản phẩm thuốc lá khác bao gồm shisha, các sản phẩm thuốc lá không khói, xì gà, xì gà nhỏ, thuốc lá tự cuốn, thuốc lào, thuốc lá cuốn có hương vị (bidis) và thuốc lá đinh hương (kreteks).

Việc sử dụng shisha có hại cho sức khỏe tương tự như sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, người dùng chưa hiểu rõ những nguy hiểm về sức khỏe của việc sử dụng shisha.

001-1-(1).jpg
Để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá

Sử dụng thuốc lá không khói rất dễ gây nghiện và có hại cho sức khỏe. Thuốc lá không khói chứa nhiều độc tố gây ung thư và việc sử dụng thuốc lá này làm tăng nguy cơ ung thư đầu, cổ, họng, thực quản và khoang miệng (bao gồm ung thư miệng, lưỡi, môi và nướu) cũng như các bệnh răng miệng khác.

Không chỉ gây gánh nặng bệnh tật, hút thuốc lá còn gây tổn thất lớn về kinh tế. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, một báo cáo đáng quan tâm về chi phí của việc sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe để điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra cũng như nguồn nhân lực bị mất đi do bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra. Hơn 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm bị mất do chi phí y tế và giảm năng suất do sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới.

Theo bà, năm 2018 chỉ có 38 quốc gia, chiếm 14% dân số toàn cầu, có mức thuế thuốc lá đủ cao - nghĩa là đánh thuế ít nhất 75% giá thành các sản phẩm gây hại cho sức khỏe. Bằng cách thực hiện các chính sách đã được chứng minh như thuế thuốc lá, có thể tránh được những chi phí mà ngành công nghiệp thuốc lá gây ra cho cộng đồng địa phương và quốc gia. Điều này đem lại sức khỏe cho người dân, tăng thu ngân sách, sự phát triển và công bằng.

Các chính sách thuế thuốc lá được cải thiện cũng có thể là một yếu tố quan trọng để xây dựng trở lại tốt hơn sau COVID-19, khi các quốc gia cần thêm nguồn lực để đáp ứng và chi trả cho việc phục hồi hệ thống y tế.

Hơn 80% trong số 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá nặng nề nhất. Sử dụng thuốc lá gây ra nghèo đói do thay vì chi tiêu của gia đình từ các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và chỗ ở sang thuốc lá.

Gói giải pháp kiểm soát thuốc lá góp phần đẩy lùi nạn hút thuốc lá

Gói giải pháp kiểm soát thuốc lá (MPOWER) được Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập vào năm 2008 trong khuôn khổ Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC) nhằm thúc đẩy hành động của chính phủ về 6 biện pháp chủ yếu nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.

Những biện pháp bao gồm: Giám sát việc sử dụng thuốc lá và các chính sách kiểm soát thuốc lá (Monitor); bảo vệ người dân khỏi phơi nhiễm với khói thuốc lá (Protect); cung cấp hỗ trợ cho người nghiện bỏ thuốc lá (Offer); cảnh báo sự nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá (Warn); tăng cường các biện pháp ngăn chặn quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá (Enforce); tăng thuế thuốc lá (Raise).

Bà Nguyễn Thị Thu Hương đánh giá, trong 15 năm qua kể từ khi được giới thiệu trên toàn cầu, gói các biện pháp kiểm soát thuốc lá trong kế hoạch MPOWER của WHO đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và đẩy lùi nạn dịch thuốc lá trên toàn cầu.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá trong kế hoạch MPOWER, sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác PCTHTL. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong toàn quốc giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020, trong đó nam giới là từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

thuoc-la-2953(1).jpg
Thực trạng giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp khiến cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng công tác PCTHTL vẫn đang gặp phải những thách thức bao gồm: Thực trạng giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp khiến cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn; tình hình vi phạm pháp luật về PCTHTL còn diễn ra tương đối phổ biến, điển hình là vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá còn cao; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCTHTL còn chưa được thực hiện thường xuyên, thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị liên quan; sự xuất hiện và phổ biến của các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa trên thị trường.

Các sản phẩm thuốc lá này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Trước những khó khăn trên, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đặt mục tiêu chung là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, để đạt được mục tiêu đó, cần ưu tiên triển khai các nhiệm vụ như ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên; chính sách tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá để giảm sức mua thuốc lá; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong thực thi Luật PCTHTL, kiểm tra, xử phạt về PCTHTL; tăng cường, đổi mới, đa dạng hoá hình thức trong truyền thông về PCTHTL; đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về PCTHTL tại các cơ sở giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần ưu tiên các chính sách để kiểm soát thuốc lá hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO