"Cần ứng dụng công nghệ chế biến cát sạch cho người dân được hưởng lợi"

07/02/2017 00:00

(TN&MT) - Đây là kiến nghị của Thạc sỹ Lê Thành Phiêu, giảng viên bộ môn xây dựng của trường Đại học Cần Thơ khi nói về công nghệ chế biến cát sạch do tác giả Võ Tấn Dũng ở thành phố Cần Thơ sáng chế.

Công nghệ chế biến cát sạch của tác giả Võ Tấn Dũng (TP. Cần Thơ) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế vào cuối năm 2016. Tiến sỹ Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP. Cần Thơ cho biết, sáng chế này là giải pháp kỹ thuật có giá trị thiết thực, đem lại lợi ích to lớn cho xã hội. Từ năm 2011, Hội đồng Giám khảo Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc (VIFOTEC) đã trao giải Nhất, đồng thời, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cũng trao giải WIPO cho giải pháp xuất sắc này.

Tác giả Võ Tấn Dũng nhận Bằng chứng nhận giải Nhất - Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc
Tác giả Võ Tấn Dũng nhận Bằng chứng nhận giải Nhất - Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc

Giảm chi phí, tăng tuổi thọ công trình

Qua hơn 6 năm đầu tư hơn 2 tỷ đồng cải tiến, đến nay ông Võ Tấn Dũng đã hoàn thiện dây chuyền thiết bị sàng lọc, tách hạt cát nguyên khai (phổ biến có mô đun 1.2 – 1.4), đưa ra thị trường sản phẩm cát sạch với tỷ lệ bụi, bùn, sét, hữu cơ dưới 0,5% và nâng modul cát to sạch lên 1.8 sử dụng cho bê tông, 1.1 – 1.3 sử dụng cho xây tô và cát mịn dưới 0.7 sử dụng san lấp. Ngoài ra, công nghệ này còn chế biến được nhiều loại sản phẩm cát phục vụ cho sản xuất công nghiệp khác.

Giải pháp sàng lọc, tách hạt công nghệ này giải quyết được những hợp chất có hại (tạp chất bụi, bùn, sét) để xi măng và cốt liệu dính bám, làm tăng cường độ cho bê tông từ 10 – 20% so với cát chưa qua chế biến sạch mà Giáo trình Quatest 3 đã khẳng định.

Sản phẩm cát qua công nghệ chế biến được nhóm nghiên cứu Khoa Xây dựng, trường Đại học Cần Thơ, do Thạc sỹ Lê Thành Phiêu, làm chủ nhiệm, đưa vào thí nghiệm, thực hiện đề tài khoa học về “thành phần cốt liệu cho bê tông nhằm mang lại hiệu quả cho công trình xây dựng” đi đến kết luận: Nếu sử dụng cát chưa chế biến sạch để chế tạo 1m3 bê tông mác 250, cần tới 341kg xi măng, trong khi sử dụng cát chế biến sạch (0,5m3) thì chỉ cần 298kg xi măng (giảm được 43kg, tiết kiệm tương đương 10% - 17% xi măng). Sử dụng cát được chế biến sạch còn giảm chi phí nhân công, mặt bằng sàng thủ công, tiết kiệm thời gian, phí vận chuyển trong thi công. Nhờ vậy, giá thành 1m3 cát sạch sau chế biến là 120.000 đồng, nhiều hơn cát chưa qua chế biến khoảng 50.000 đồng nhưng người sử dụng lại tiết kiệm được 129.000 đồng/1m3 từ việc tiết giảm xi măng (89.000 đồng) và chi phí sàng thủ công (40.000 đồng).

Triển khai nhân rộng giải pháp chế biến cát sạch bằng công nghệ, đưa vào sử dụng cho công trình xây dựng, cấp phối hợp lý, tiết giảm xi măng, giảm phí sàng thủ công, với nhu cầu cát sử dụng cho xây dựng cả nước mỗi năm trên 100 triệu m3 thì giá trị có thể tiết kiệm được lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và còn tích cực cải thiện được chất lượng công trình. “Cần ứng dụng rộng rãi sáng chế công nghệ này để người dân được hưởng lợi vì sản phẩm cát sạch sau chế biến giúp người sử dụng tiết kiệm được chi phí, tăng tuổi thọ công trình” - Thạc sỹ Lê Thành Phiêu kiến nghị.

Bằng độc quyền sáng chế thiết bị sàng lọc, rửa sạch cát
Bằng độc quyền sáng chế thiết bị sàng lọc, rửa sạch cát

Giải quyết vấn nạn thiếu hụt cát xây dựng

Đáng chú ý, công nghệ còn là giải pháp có thể đưa trữ lượng hơn 800 triệu khối cát có modul nhỏ, nhiều hạt mịn và lẫn nhiều tạp chất dưới lòng sông Cửu Long (hiện nay chủ yếu đang dùng để san lấp) vào chế biến, sàng lọc, tách hạt để phục vụ chế tạo bê tông, vữa xây tô, giải quyết tình trạng khan hiếm, thiếu hụt cát xây dựng, lệ thuộc vào nguồn cát nhập tiểu ngạch từ Campuchia.

Giải pháp này đã được Trung tâm Vật liệu Xây dựng miền Nam (Viện Vật liệu Xây dựng) nghiên cứu thành công qua đề tài “sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL chế tạo bê tông và vữa xây dựng”. Thạc sỹ Lê Văn Quang - chủ nhiệm đề tài, khẳng định việc sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL cho chế tạo bê tông nhằm đơn giản hóa khâu thiết kế cấp phối, sử dụng nguyên vật liệu đầu vào sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết khó khăn về khan hiếm cát hạt thô trong xây dựng hiện nay.

Tại Hội thảo về đề tài này do Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng, tổ chức ngày 12/4/2014, ở TP. Cần Thơ, Tiến sỹ Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm và kiểm định chất lượng công trình (Đại học Kiến trúc Hà Nội), khẳng định: “Trên cơ sở phân tích khoa học đã chứng tỏ trong điều kiện của Việt Nam có thể sử dụng cát mịn thay cho cát thô để chế tạo bê tông cường độ đạt các cấp khi kết hợp các biện pháp công nghệ (rửa, đầm) và hỗn hợp phụ gia. Nhà nước cần đầu tư hợp lý cho những đề tài nghiên cứu sâu hơn về việc sử dụng cát mịn tại ĐBSCL để làm bê tông các cấp trên B25.

Tác giả Võ Tấn Dũng tại nhà máy chế biến cát
Tác giả Võ Tấn Dũng tại nhà máy chế biến cát

Mong được hỗ trợ hợp tác để ứng dụng phổ biến

Ghi nhận thực tế quy trình sản xuất chế biến cát sạch đưa ra thị trường mà tác giả Võ Tấn Dũng đã triển khai tại TP. Cần Thơ, cho thấy: Nguồn cát nguyên liệu được thu mua có chứng từ ở các chủ mỏ đầu nguồn, đưa vào nhà máy chế biến công suất bình quân 1.500m3/ngày, sản phẩm cát sau chế biến đảm bảo tính đồng nhất về modul, tỷ lệ tạp chất dưới 0,5%, có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy về cốt liệu cho bê tông và vữa theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 16:2014/BXD; có công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Với quy trình này, các cơ quan chức năng rất thuận tiện việc quản lý, kiểm soát về chất lượng cát hàng hóa, có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm, quá trình chế biến từ nhà máy đến lưu thông và sử dụng.

Hiện, ông Dũng đã lập dự án và đang nỗ lực triển khai đầu tư hình thành hệ thống nhà máy chế biến cát sạch tại các địa phương vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và miền Đông - Nam Bộ. Tuy vậy, theo Tiến sỹ Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP. Cần Thơ, việc triển khai ứng dụng công nghệ sáng chế này vào thực tiễn là rất cần thiết nhưng vì doanh nghiệp nhỏ, năng lực đầu tư hạn chế nên việc triển khai ứng dụng phổ biến còn khó khăn. “Tôi rất mong có đủ điều kiện về tài chính để triển khai dự án gia công cát sạch, hoặc sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những nhà đầu tư có năng lực triển khai trên phạm vi rộng, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên cát, nâng cao chất lượng công trình xây dựng cho đất nước” - ông Dũng nói.

Được biết, trong thời gian qua tác giả Võ Tấn Dũng đã viết thư gửi đến lãnh đạo các địa phương và các vị lãnh đạo cấp cao Nhà nước trình bày nguyện vọng được tạo điều kiện thuận lợi hợp tác với đối tác đủ mạnh để triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ sáng chế này đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư công trình xây dựng quan tâm sử dụng cát sạch góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, giá trị sử dụng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng trên phạm vi cả nước.

Hùng Long

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cần ứng dụng công nghệ chế biến cát sạch cho người dân được hưởng lợi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO