Theo tài liệu của Nhóm điều phối Chương trình Liên Hợp Quốc về thiên tai và trường hợp khẩn cấp, Việt Nam nằm ở phần Đông Nam của mảng lục địa Á - Âu, giữa mảng lục địa Ấn Độ, Philippines và mảng lục địa Úc.
Việt Nam không nằm trên đường ranh giới của bất kỳ mảng kiến tạo nào, như vậy, ít có nguy cơ bị tổn thương vì động đất so với các nước khác trong khu vực.
Các khu vực phía Bắc của Việt Nam có nguy cơ xảy ra địa chấn từ mức thấp đến mức vừa phải. Khu vực này có một số hệ thống phay (geologic fault) đứt gãy, chẳng hạn như xung quanh khu vực sông Hồng, sông Mã và khu vực Lai Châu - Điện Biên. Những đường đứt đoạn này có thể có chiều dài vài trăm km và tốc độ trượt trong khoảng từ 0,5 - 2mm mỗi năm. Với các phay địa chất có chiều dài như vậy, các khu vực phía Bắc có khả năng xảy ra các trận động đất với cấp độ 5.7 - 7 richter.
Sau khi xảy ra sự kiện sóng thần tại Nhật Bản vào tháng 3/2011, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phòng chống động đất để bảo đảm kịp thời cảnh báo động đất và thực hiện các biện pháp an toàn.
Bộ Xây dựng đã hoàn thành phân vùng những khu vực dễ bị tổn thương do động đất trên toàn quốc. Bộ cũng ban hành yêu cầu kỹ thuật xây dựng nhà chống động đất, song, cần nghiên cứu thêm để kiểm tra tính phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Nhiều người dân Hà Nội sống trên các chung cư cao tầng cảm nhận được sự rung lắc |
Như vậy, dù nằm trong vùng ít có nguy cơ tổn thương lớn do động đất, nhưng chúng ta vẫn rất cần sự chủ động trước thiên tai. Đặc biệt, với những gì đang diễn ra, vẫn cần lưu tâm đến sự an toàn của các công trình xây dựng ở Việt Nam.
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong các công trình xây dựng, nhất là công trình nằm trong vùng động đất là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công trình xây dựng.
Mặc dù, Việt Nam đã có Tiêu chuẩn TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất”, nhưng việc tuân thủ ở nhiều nơi còn chưa nghiêm. Các công trình xây dựng tại địa phương trước khi TCXDVN 375:2006 có hiệu lực, đều không được quan tâm tới thiết kế kháng chấn, ngoại trừ tại một số thành phố như: TP. Hà Nội, TP.HCM, TP. Đà Nẵng.
Với TP.HCM, theo các nhà khoa học, mặc dù, không phải nằm trong khu vực nguy hiểm, có thể xảy ra các trận động đất mạnh trên 6 độ richter, nhưng do nền đất yếu, thành phố này hoàn toàn có thể bị tàn phá nặng nề với chỉ một cơn động đất trên 5 độ richter, loại động đất “nhẹ” ở các vùng khác.
Lĩnh vực giao thông, thủy lợi cũng lơ là khâu này. Ngoài một số công trình có quy mô lớn và có tầm quan trọng có thiết kế kháng chấn như: Cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cầu Vĩnh Tuy, cầu Sông Gianh, cầu Thủ Thiêm...; tại nhiều công trình giao thông, do các tổ chức tư vấn thiết kế giao thông trong nước thiết kế, chưa xem xét tới khả năng kháng chấn. Các công trình thủy lợi nói chung và các công trình hồ chứa của nhà máy thủy điện nói riêng đều có tình trạng tương tự. Chỉ có các công trình thủy điện được thiết kế từ năm 2000 đến nay mới thực hiện thiết kế kháng chấn như: Sơn La, Nậm Chiến, Tuyên Quang …
Tại TP.HCM, do trước đây chưa nghiên cứu kỹ về nền đất yếu, với dự báo rằng, động đất nếu xảy ra cũng không gây hậu quả nghiêm trọng, nên mạng lưới trạm quan trắc động đất ở nước ta chủ yếu là ở miền Bắc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống động đất ở Việt Nam còn rất sơ khai, thiếu những chế tài cụ thể - điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ chúng ta sẽ phải trả giá đắt khi tai biến động đất xảy ra.